Sau này nghe chồng kể lại, hồi anh dắt tôi về nhà chơi, mẹ anh chê tôi bé xíu, ăn nói lí nhí, sau này làm sao có thể sinh nở, ẵm con, nuôi dạy chúng. Ðại khái thế.
Nay trên cái kệ nhỏ ở đầu giường, có một khung hình cỡ hơn bàn tay, chưng tấm ảnh tôi đang mặc áo cô dâu trắng tinh. Tóc được cài một cái “mấn” có phần diêm dúa và sến sẩm, chẳng thấy liên quan gì tới trang phục cưới hiện đại bây giờ. Còn nhớ hôm đó, anh thợ đã đề nghị tôi hơi xoay nghiêng để khoe “vòng eo năm chín” của mình. Chứ vài năm nữa con cái lùm xùm là thành “bé bự” hết. Chẳng hiểu sao, giờ nhìn bức hình tôi cứ buồn cười bởi ý nghĩ, nếu con mình hỏi “ai đây mẹ?” thì chẳng biết phải trả lời thế nào cho đỡ ngại!
Mới tối qua thôi, khi bước vào nhà sau cả ngày mệt nhoài ở cơ quan và hơn một giờ đồng hồ kẹt xe ngoài đường, tôi đã quát con ầm ĩ. Dường như không khí vui vẻ sinh động của căn nhà, vì tôi xuất hiện nên biến mất, thay vào đó là thái độ lấm lét, tiu nghỉu của lũ trẻ. Sau khi ăn vội chén cơm cứu đói rồi đi tắm, tôi mới dần dần hạ hỏa. Lúc dòng nước mát tưới lên người, tôi dưng không nghĩ tới lời khuyên gì đấy, kiểu như hãy rũ bỏ bực dọc áp lực ở ngoài cửa, đừng mang về đổ lên đầu chồng con, gia đình. Tiếc thay…
Nhiều khi chia sẻ với bạn bè cùng giới, buông một câu nói vui là “mẹ mìn”. Thông cảm cho nỗi vất vả tất bật của nhau, cười vào mặt nhau rằng bà béo quá rồi đấy, ăn kiêng giảm cân đi. Bà đanh đá và khôn ra nhiều quá, thật không nên chút nào… Tại sao ai cũng khác đi nhiều quá, lại theo chiều hướng sa sút thế này?
Rồi kết luận, chỉ vì lấy chồng rồi sinh con mà người ta buộc phải dữ dằn hơn, trở thành mẹ mướp hay "gấu mẹ vĩ đại". Cảm xúc trơ hơn sau mỗi lần “lên cơn” do căng thẳng. Như tôi ban đầu thấy dằn vặt khổ sở mỗi khi chẳng kiềm chế được cơn nóng giận mắng mỏ, sau cũng quen. Cường độ và tỷ lệ ngày càng… đẳng cấp.
Ðôi lúc đi xa, nghĩ về con mà ân hận day dứt. Mình sao có thể ác miệng với con thế nhỉ? Những câu than trách kể khổ dần “tăng đô” thành rủa xả đầy khắc nghiệt, ngày càng tuôn ra một cách mất kiểm soát. Lời lẽ cứ thế mà đổ xuống đầu mấy đứa trẻ tội nghiệp, xong rồi thì xẹp hẳn, qua cơn là thôi. Nhưng chắc con mình khó mà quên hết…
Ngẫm ngợi đi. Ðàn bà sau những lúc cãi nhau hùng hổ với chồng, xong bỏ ra ngoài thì luôn thấy lòng chùng xuống. Buồn bã và khổ sở. Từ lúc nào mình trở thành Bà La Sát, hung hăng hiếu chiến thế này? Ðã là đàn bà thì phải đẹp, thế mà mẹ ruột tôi từng bao lần nhắc: lúc cau có tức giận nhìn con già và xấu lắm. Không tin thì cứ soi gương mà xem… Tôi chưa khi nào đủ can đảm để nhìn thẳng vào sự thật kiểu ấy. Thật!
Chẳng ai sung sướng gì đâu. Người đàn ông kết hôn cùng tôi thuở độc thân chắc không vất vả áp lực bằng từ ngày cưới vợ. Tôi nhớ có lần họp mặt chung nhóm, anh bạn cũ buông một câu nửa đùa nửa thật rằng: “Hồi xưa còn trẻ quậy phá này nọ, nhưng má tui chẳng bao giờ quản lý giờ giấc, tiền bạc. Giờ già cái đầu thì bị vợ giám sát từng chút một, y như con!”. Ðàn ông lấy vợ, tính ra cũng ít nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, khi cơm canh đắng nghét, thường chỉ có đàn bà quẫy lên đùng đùng, rằng mình đánh mất thanh xuân, chịu bao nhiêu bất công trên đời. Chứ đàn ông các anh chỉ toàn được nhận mà thôi!
Hôm ấy, cơ quan tôi khám sức khỏe định kỳ ngay dưới sảnh của tòa nhà. Ðầu buổi sáng là tiết mục nhịn ăn thử máu, nên mọi người tranh thủ tụ họp khá đông đúc. Tuy hơi ồn ào nhưng vui vẻ, thì bỗng dưng có tiếng khóc hu hu. Ai nấy hốt hoảng ngó về nơi phát ra âm thanh lạ lẫm ấy. Hóa ra là một phụ nữ trẻ đang lấy máu, vì sợ hãi mà bật khóc như một đứa trẻ bị đòn… Sau khi xong xuôi đứng dậy, cô ấy chừng như ngại ngần giải thích: “Em lần nào chích ngừa cũng vậy, đều khóc to…”. Chị y tá hỏi vui: “Ðã lập gia đình nhưng có con chưa? Chưa à, hèn gì còn nhõng nhẽo thế. Sinh nở đi, sẽ trưởng thành hơn. Người đàn bà nào rồi thì cũng phải làm mẹ…”
Cuộc sống ngày càng gian nan khó khăn. Thức ăn độc địa, giao thông hỗn loạn, trộm cướp lừa đảo nhiều lắm. Ở một nơi “đất dữ” thế này thì càng cần những bà mẹ "anh hùng". Biết nhiều, biết đủ, biết xử lý mọi tình huống bất trắc. Không nhất thiết phải có khả năng thay bóng đèn hay sửa ống nước, nhưng chí ít cũng biết tìm trên mạng xem chỗ nào uy tín, giá rẻ để mà kêu thợ. Ðừng như một chị phụ nữ đã gần bốn mươi tuổi, trong bữa ăn ở căng tin công ty đã hồn nhiên chia sẻ giờ không dám đi đâu một mình. Hàng quán chợ búa đều phải ríu ríu chung với bạn bè cùng phái. Ai lại đơn độc một mình, kỳ lắm. Những việc như chứng giấy tờ, đi đến các nơi công quyền này nọ là chuyện của đàn ông, hoặc… người lớn trong nhà, chứ chị hay bị run, không dám đâu...
Nhiều người nghe xong tròn mắt im lặng, chẳng biết nói sao. Khuyên gì bây giờ…
Ðàn ông khi lấy vợ thích được làm chồng chứ không có nhu cầu làm “bố” hay… “con” của vợ. Có lần vợ chồng cãi nhau, một ông anh vốn tính lành như đất, luôn lấy phương châm “nhường vợ chiều con” làm lẽ sống đã buông một câu chốt hạ rằng: “Sao cái gì cô cũng không hợp tác, cứ muốn… làm mẹ người ta vậy hả?”.
Khỏi phải nói, chị vợ vốn quen đàn áp, quát tháo trong nhà đã bất ngờ và choáng đến độ nhất thời không thốt nổi nên lời. Chị lẳng lặng bỏ vô bếp, rồi tấm tức khóc. Không phải vì bị chồng chửi chồng đánh, mà những giọt nước mắt ấy có lẽ vừa ấm ức vừa tủi hờn. Giật mình ngó lại bản thân. Tại sao ra nông nỗi này? Vì đâu một cô gái dịu dàng ngọt ngào lại thay đổi đến mức bị chính người đàn ông của mình mắng mỏ bằng lời lẽ tổn thương như vậy? Tất cả chẳng bởi vì lấy chồng, sinh con đấy sao? Ðàn bà, nào ai muốn cứ phải cố sức gồng lên gánh vác, rồi mệt mỏi thay tính lúc nào không rõ. Chẳng qua không thể khác được, ai lo giùm? Cuối cùng thì gặt hái được câu kết tội nặng như búa bổ thế kia…
Ừ thì làm vợ làm mẹ, đủ thứ vất vả lo toan, gánh nặng trách nhiệm, cơm áo đè lên dáng vẻ. Người đàn bà giã từ thời thiếu nữ mong manh đẹp đẽ, đối diện với cuộc sống gia đình, thèm lắm một sự sẻ chia và thấu hiểu từ chính bạn đời. Ðể họ không phải đánh mất đi hình ảnh của chính mình, dù chỉ là trong vô thức.
Tác giả bài viết: An Nhiên
Nguồn tin: