Xã hội

Làng Trường Sa giữa lòng xứ Nghệ

Trong không khí tết đến, xuân về, nhà nhà đều hối hả chuẩn bị đón những người con, người cháu đi làm xa trở về đoàn tụ. Những người làm bố, làm mẹ ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cũng vậy, thế nhưng chưa năm nào họ toại nguyện bởi các anh – những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển đảo không thể về Tết. Buồn có nhưng hơn ai hết đó là niềm tự hào vì những người con của họ đang chắc tay súng canh giữ biển trời để những người ở hậu phương được đón tết an vui.

Làng Trường Sa giữa lòng xứ Nghệ

Cách TP Vinh chưa đến 10 km, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, còn mang cái tên khác là “làng Trường Sa”. Bởi lẽ, nơi đây có 150 người từng là cựu chiến binh công tác ở Trường Sa và nay có 16 cán bộ, chiến sỹ đang công tác ở vùng đất đảo này.

Ông Nguyễn Hữu Thường – Phó Ban chỉ huy quân sự xã Phúc Thọ cho biết: “Theo thống kê sơ bộ thì từ năm 2008 đến nay toàn xã có khoảng 160 người đã từng và đang công tác ở Trường Sa. Trở thành truyền thống, nhiều thanh niên làng từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau đi lính biển. Đó là niềm tự hào của người dân xã Phúc Thọ”.

Và với người dân xã Phúc Thọ thì những cán bộ chiến sỹ đã và đang công tác ở đảo là một phần "tài sản" lớn của quê hương.

tsa
Bức ảnh anh Danh cùng đồng đội tại căn cứ Cam Ranh chụp ảnh chung với đồng chí Trương Tấn Sang (30-10-2011) được đóng khung làm kỷ niệm

Vợ chồng bà Phan Thị Nhận (SN 1953, trú ở xóm 3, xã Phúc Thọ) có 2 người con trai đang công tác tại Trường Sa. Đó là Thượng úy Trần Công Danh (SN 1984) và Thiếu úy Trần Công Chính (SN 1994). Bao nhiêu năm anh Danh và anh Chính công tác xa nhà là bấy nhiêu năm vợ chồng bà Nhận không được đón Tết cùng con.

“Những năm đầu xa con vào dịp Tết, vợ chồng tôi không quen được. Nhìn căn nhà trống trải trong khi hàng xóm láng giềng đoàn tụ vui vẻ mà chạnh lòng muốn khóc. Về sau cũng quen dần và các con cũng thường xuyên gọi điện về động viên nên vợ chồng tôi cũng dần nguôi ngoai. Cũng có năm 2 đứa được về nghỉ phép trước Tết, nhưng đến ngày 27 lại phải trở về đơn vị. Khi đó, thương con lắm nhưng biết làm sao được, các con cũng vì nhiệm vụ nên mới phải đi thôi”, bà Nhận cho biết.

2tsa1
Vợ chồng bà Nhận luôn tự hào về hai người con đang công tác ở đảo Trường Sa

Tuổi đã lớn nhưng Thượng úy Trần Công Danh chưa chịu lập gia đình, vì ở đảo không quen cô gái nào cả.

Mong con sớm yên bề gia thất, bà Nhận quyết định tìm vợ cho con trai mình. Qua mai mối, bà giới thiệu cô giáo Lê Thị Hằng (SN 1991) ở TP Vinh cho con trai mình. Từ những cuộc điện thoại từ đảo xa, tình cảm giữa Thượng úy Danh và cô giáo Hằng chớm nở. Trong kỳ phép ngắn ngày, anh Danh đã quyết định đón nàng về dinh.

Nỗi lòng những người ở hậu phương

Tết năm nay, vợ chồng bà Nhận vui hơn phần nào bởi nhà đã có thêm nàng dâu và chuẩn bị đón đứa cháu đầu lòng.

Ông Trần Công Phúc – bố Thượng úy Danh cho biết: “Từ ngày có con dâu, nhà cũng đỡ hưu quạnh hơn, chỉ thương con dâu xa chồng biền biệt lại đang bầu bí nữa. Cũng may, em nó là người hiểu biết, nó suốt ngày động viên vợ chồng tôi cố gắng để chồng nó yên tâm công tác...”.

3tsa2
Nhiều năm xa con trong ngày Tết, dù buồn nhưng bà Nhận luôn mong các con mình mạnh khỏe công tác tốt

Nhiều cái Tết xa con đã khiến cho vợ chồng ông Phúc luôn tâm niệm, Tết ở đất liền phải đầy đủ, phải sung túc dù các con không ở nhà, bởi ông bà sẽ chuẩn bị đón Tết luôn cả phần hai con trai của mình.

“Mấy hôm nay, thằng Danh, thằng Chính gọi điện về nhà hỏi chúng tôi sắm tết thế nào rồi. Tôi luôn động viên các con cố gắng công tác tốt chứ ở nhà bố mẹ vẫn ổn, năm nay nhà có thêm người nên vui hơn. Dù là nói vậy chứ tôi vẫn thấy trống trải lắm, chỉ mong các con được về tết với bố mẹ. Sợ các con đón tết ngoài đảo không được đầy đủ, nhưng chúng nói ngoài đó không thiếu thứ gì, anh em vui lắm, nên chúng tôi cũng được động viên phần nào. Tôi chỉ mong các con của mình luôn khỏe mạnh, công tác thật tốt để bố mẹ ở nhà được tự hào”, bà Nhận giãi bày.



Cũng giống như gia đình bà Nhận, bà Trần Thị Phương (trú tại xóm 3, xã Phúc Thọ) cũng đang tất bật hoàn thành nốt những công việc đồng áng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Con trai bà Phương là anh Cao Xuân Chiến công tác ở Trường Sa nhiều năm nay.

Bà Phương cho biết, từ năm 2000, anh Chiến được điều ra Trường Sa. Không lâu sau đó, anh Chiến nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Thành là giáo viên trường mầm non Trường Sa ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Năm 2007, cháu Cao Xuân Tiến ra đời trong niềm vui vỡ òa của vợ chồng anh Chiến.

Niềm vui chưa được lâu thì bất hạnh ập đến, chị Thành bị mắc bệnh nan y. Anh Chiến đưa vợ đi khắp nơi chữa bệnh nhưng bất thành. Vợ mất, anh Chiến gửi con cho ông bà nội nuôi dưỡng. Mỗi năm, người cha như anh Chiến chỉ về nhà thăm con được một lần.

“Thằng bé nhớ bố lắm, nhưng biết làm sao được, do nhiệm vụ nên hai bố con phải xa nhau. Tiến là đứa trẻ chăm ngoan biết nghe lời ông bà để bố nó yên tâm công tác. Tết xa con nhiều thành quen rồi, giờ chỉ mong thằng Chiến khỏe mạnh làm việc thật tốt rồi lúc nào có thời gian thì về chơi với con trai là mừng lắm rồi”, bà Phương nghẹn nghèo nói.

4tsa3
Bà Oanh giãi bày nỗi nhớ con trai mỗi khi Tết đến, xuân về

“Con tôi là lính Trường Sa nhiều năm rồi. Mỗi năm nó chỉ về được có một lần phép. Nó đã có vợ con ở trong Khánh Hòa. Nhiều năm muốn gia đình nó về ăn Tết một lần cho gia đình sum họp mà không được. Âu cũng là nhiệm vụ Tổ quốc giao. Chỉ mong con khỏe mạnh để tiếp tục cống hiến cho đất nước thôi. Nhiều lúc nghe ti vi dự báo có bão về là chúng tôi lo lắng lắm. Chỉ đến khi nghe được điện thoại của con nói an toàn thì mới yên tâm được”, bà Doãn Thị Oanh (65 tuổi) dưng dưng nước mắt nói.

Tết là thời gian để những người con đi xa về đoàn tụ với gia đình, thế nhưng, ở làng Trường Sa việc các con không trở về dịp tết là điều có lẽ đã quen. Những người mẹ, người vợ ở đây sẵn sàng quên đi quyền lợi của bản thân mình, gánh vác công việc gia đình để những người đàn ông của họ yên tâm gìn giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Tác giả bài viết: Trịnh Nguyễn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP