Kinh tế

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu giảm xuống dưới 0 USD/thùng

Giá dầu đêm qua trên thị trường Mỹ có lúc xuống tới gần -38 USD. Nhà sản xuất phải trả thêm tiền cho người mua mang dầu đi.

Giá dầu thô WTI giao tháng 5 trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam) tụt giảm chưa từng có trong lịch sử, giảm hàng trăm phần trăm xuống mức âm. Chốt phiên đầu tuần trên thị trường Nymex, giá dầu giảm 55,9 USD xuống còn -37,63 USD/thùng.

Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục kể từ khi các số liệu về biến động giá được ghi nhận vào năm 1983. Và theo theo dữ liệu từ Dow Jones Market, đây cũng là mức giá đóng cửa thấp kỷ lục mọi thời đại.

Tuy nhiên, các hợp đồng giao tháng 5 sẽ hết hạn trong phiên giao dịch ngày 21/4 (tức hết đêm nay giờ Việt Nam).

Giá dầu WTI giao tháng 5 đêm qua xuống -37 USD/thùng.

Tới đầu giờ sáng 21/4 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 5 hồi phục đôi chút nhưng vẫn ở vùng giá âm (khoảng -16 USD/thùng).

Hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 cũng giảm mạnh nhưng đang ở quanh mốc 20 USD/thùng.

Giá dầu âm đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất phải trả thêm tiền cho người mua để mang dầu đi. Chi phí để tích trữ dầu cao hơn giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch dầu theo hợp đồng giao tháng 5 ở mức thấp do vậy, các hợp đồng với kỳ hạn dài hơn thường được xem là chỉ báo chính sách hơn về tương quan mua bán. Giá dầu giao tháng 6, tháng 7 và tháng 8 đều quanh ở mức 20 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 ở mức khoảng 25 USD/thùng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng

Theo CNBC, giá dầu giảm mạnh và lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng cho thấy tình trạng dư cung dầu thô trầm trọng, sức cầu thấp và thế giới thiếu không gian dự trữ.

Dầu tháng 5 tụt giảm xuống sâu dưới mức âm là do hợp đồng này gần như đã trở thành hợp đồng giao ngay và giới đầu tư bán tháo để tránh phải vận chuyển dầu thô trong bối cảnh các nước không có không gian lưu trữ.

Các báo cáo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây đều bi quan về triển vọng thị trường dầu, ngay cả sau khi OPEC chốt được thỏa thuận lịch sử giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày, đánh dấu sự chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Saudi Arabia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang nỗ lực hành động nhưng bị nhiều ràng buộc giới hạn. Chính quyền ông Trump dự tính chi tiền cho các nhà sản xuất để kìm hãm sản xuất dầu thô. Ủy ban Đường sắt (RRC) Texas cũng đang tìm cách hạn chế nguồn cung.

Các nước hết không gian, chi phí lưu trữ cao hơn giá thành sản xuất dầu.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua giảm điểm mạnh vì giá dầu giảm kỷ lục và giới đầu tư lo ngại về sự chậm trễ trong việc tài trợ chương trình cho vay giải cứu doanh nghiệp nhỏ bị kiệt quệ vì đại dịch Covid-19.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt 592 điểm xuống còn 23.650 điểm. Chỉ sô tầm rộng S&P 500 giảm 1,8%, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1%. Các cổ phiếu dầu khí giảm mạnh, Chevron và Exxon Mobil đều giảm hơn 4%.

Chứng khoán Mỹ giảm còn bởi Thượng viện Mỹ không đạt được thỏa thuận về những gói cứu trợ nhiều hơn trong mùa dịch bệnh. Cơ quan này dự kiến có một cuộc bỏ phiếu vào chiều ngày 21/04 (rạng sáng 22/4 giờ Việt Nam).

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP