Giáo dục

Lạm thu đầu năm học: Khó vậy mà cũng nghĩ ra!

Dù ngành giáo dục và các địa phương đều có văn bản chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm trường học nào để xảy ra tình trạng lạm thu, “không có vùng cấm” nhưng soi chiếu vào thực tế, nhiều khoản thu xã hội hóa nghe ra cứ là lạ!

Nhiều khoản thu “khó tả”

Tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hơn 100 học sinh (HS) vào lớp 1 năm học 2022-2023 phải đóng gần 1 triệu đồng tiền đầu năm. Cụ thể, trong buổi họp tổ chức vào giữa tháng 8 vừa qua, giáo viên chủ nhiệm của lớp 1 thông báo tới phụ huynh nhà trường có kế hoạch mua 45 bộ bàn ghế, 3 cái bảng và những vật dụng này đều vận động đóng góp từ phụ huynh. Theo đó, mỗi em lớp 1 phải đóng 550.000 đồng mua bàn ghế, 173.000 đồng mua bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và mua rèm cửa, tổng gần 1 triệu đồng.

Trên nhóm chat chung giữa các phụ huynh và nhà trường, cô giáo chủ nhiệm của 1 lớp đã nhắn tin: "Quan điểm, chỉ đạo của nhà trường ta là nhập gia tùy tục, tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác. Phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, em đó phải tự chịu trách nhiệm".

Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Bàn ghế, bảng là cơ sở vật chất thiết yếu đáng ra phải được nhà nước trang bị cho trường công lập, tại sao lại áp đặt bắt HS phải mua? Nếu phụ huynh không đóng số tiền gần 1 triệu kia chẳng lẽ con họ ngồi bệt xuống đất để viết bài?

Lãnh đạo Trường Tiểu học Kỳ Trinh cho biết, do trường khó khăn nên những năm gần đây đều vận động phụ huynh có con vào lớp 1 mua bảng, bàn ghế. Năm nay đơn vị mới chỉ vận động mua sắm các vật dụng ở trong lớp, còn bên ngoài lớp thì chưa.

Còn nhớ năm học 2021-2022, khi cả nước đang gồng mình chống dịch, ngành giáo dục có một khai giảng chưa từng có tiền lệ thì tại Trường Tiểu học Đông Hải 1 (Thanh Hóa), một phụ huynh bức xúc viết đơn cho con xin nghỉ học vì cô giáo đề xuất chuyển lớp con chị do “phụ huynh không hợp tác với giáo viên chủ nhiệm”. Trước đó, phụ huynh này thắc mắc khoản tiền đóng góp đầu năm, lần 1 là 980 nghìn đồng, lần 2 là hơn 3,3 triệu đồng mà không biết rõ gồm những khoản gì.

Dù sau đó nhà trường đã đứng ra hòa giải, phụ huynh đã cho con đi học trở lại nhưng trả lời của hiệu trưởng về các khoản thu khiến nhiều người bức xúc. Cụ thể, hiệu trưởng cho biết, trường chưa triển khai thu khoản gì. Thực tế nhiều phụ huynh đã nộp tiền cho giáo viên chủ nhiệm và các lớp khối 1 đã lắp đặt nhiều thiết bị như điều hòa, tivi, bảng nhiều ngăn, nhà trường cho biết các khoản này đều không nằm trong kế hoạch đầu tư mà nhà trường trình cơ quan chức năng, là do phụ huynh tự nguyện đóng góp và “có thể phụ huynh vì tình cảm nên gửi trước cho giáo viên".

Phần lớn các vụ việc lạm thu được nêu trong thời gian qua đều dưới danh nghĩa xã hội hóa, ép phụ huynh tự nguyện qua Ban đại diện cha mẹ HS, nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ. Thậm chí, có trường yêu cầu lớp khi lắp đặt điều hòa mới phải ký giấy tự nguyện và cam kết sau khi ra trường sẽ tặng lại cho nhà trường, không được tháo đi!

Theo GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.

Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm

Giáo viên không được thu tiền của HS là một trong những giải pháp Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk đưa ra, nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023. Cụ thể, Sở này vừa có hướng dẫn chi tiết các khoản thu. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý làm căn cứ xem xét, xử lý kỷ luật, đề nghị xử lý kỷ luật hiệu trưởng các trường học khi xảy ra sai phạm. Các khoản thu phải dựa trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi và được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ HS trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất của lãnh đạo cơ sở giáo dục.

Ông Biện Văn Minh - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tất cả các khoản thu phải thông qua kế toán và lập sổ thu - chi đúng quy định. Các khoản thu chi phải được kế toán lập phiếu và nộp vào tài khoản ngân hàng, không được để tồn quỹ tiền mặt quá mức quy định. Đặc biệt, tuyệt đối không giao cho giáo viên hoặc nhân viên khác trong trường thu tiền của HS.

Mỗi địa phương có những giải pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng lạm thu. Bộ GDĐT từ cuối năm học 2021-2022 đã gửi văn bản tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học tới. Trong đó, nhấn mạnh "Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học”. Bộ GDĐT cũng lưu ý về việc thực hiện vận động, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian tới Bộ GDĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu học phí ở các cơ sở giáo dục đảm bảo đúng quy định pháp luật.

GS Trần Hồng Quân cho rằng tình trạng lạm thu gây mất uy tín lớn cho ngành giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự để “làm gương”. Các bậc phụ huynh cần đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu và yêu cầu nhà trường, giáo viên minh bạch, công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện sẽ được chi vào việc gì. “Đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng nhưng Ban đại diện phụ huynh phải căn cứ vào tình hình chung của lớp để đưa ra mức thu đồng thuận. Nếu đề xuất mức thu quá cao hoặc cào bằng theo đầu người sẽ khó cho những gia đình khó khăn, có mức thu nhập trung bình” - GS Quân nói.

Tác giả: Thu Hương

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP