Hành khách xuống máy bay ở sân bay Côn Đảo - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH |
Tuy chưa có văn bản chính thức từ phía chủ đầu tư nhưng nhiều doanh nghiệp và người dân đã chuẩn bị, chính quyền cũng đã có những phương án khi sân bay Côn Đảo sẽ phải dừng hoạt động đến 9 tháng.
Đề xuất mở thêm tuyến trực thăng TP.HCM - Côn Đảo
Ngày 9-8, ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sở đã có buổi làm việc với Công ty Trực thăng miền Nam (Tổng công ty Trực thăng miền Nam - Quân chủng Phòng không - không quân) để bàn về phương án vận tải hành khách ra Côn Đảo khi sân bay này đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa.
Công ty này đã đồng ý với sở khi sân bay Côn Đảo đóng cửa sẽ tăng tần suất các chuyến bay thương mại bằng trực thăng từ Vũng Tàu ra Côn Đảo. Đồng thời sẽ kiến nghị mở thêm đường bay thương mại bằng trực thăng từ TP.HCM đi Côn Đảo.
Theo ông Trịnh Hàng, câu chuyện mở đường bay thương mại bằng trực thăng từ TP.HCM đi Côn Đảo cũng dễ dàng, vấn đề là giá vé máy bay đang có quy định về giá trần. Hiện vé máy bay trực thăng từ Vũng Tàu đi Côn Đảo là 2,2 triệu đồng/lượt.
Ông Trần Thượng Chí, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay đến thời điểm này việc tạm dừng sân bay Côn Đảo để nâng cấp mở rộng cũng chỉ là dự kiến, chưa có văn bản chính thức từ chủ đầu tư là Cục Hàng không.
Ông cho rằng việc tạm dừng sân bay Côn Đảo nếu có thì chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch, bởi từ lâu nay hàng hóa ra đảo chủ yếu được vận chuyển bằng đường tàu biển.
Trong khi đó, ông Lê Văn Phong - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Côn Đảo - cho biết hiện tại hai cảng tàu khách ở Côn Đảo là cảng Bến Đầm và cảng ở trung tâm Côn Đảo đang được sửa chữa, nâng cấp và xây mới.
Dự kiến hai cảng này cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Do đó nếu thời gian tạm dừng sân bay để nâng cấp vào tháng 4-2023 vẫn kịp để đón tàu, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển và du lịch.
Phải tránh đóng cửa sân bay hai lần
Tháng 8-2021, Bộ Giao thông vận tải ký quyết định phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không Côn Đảo. Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng không làm chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống đèn tín hiệu của đường này, dự kiến bố trí vốn ngân sách gần 1.600 tỉ đồng.
Còn dự án nhà ga, sân đỗ, hạ tầng dùng chung được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)... Tuy vậy, mới đây ACV đề xuất chỉ mở rộng nhà ga hiện hữu và xây dựng sân đỗ mới đảm bảo 5 vị trí đỗ mà không xây nhà ga mới.
Thông tin này đã làm chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu "lo lắng". Do đó cuối tháng 7-2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị có chủ trương và quyết định đầu tư nhà ga mới và sân đỗ tàu bay đáp ứng nhu cầu, tránh phải dừng khai thác sân bay thêm lần nữa.
Báo cáo phương án trong tháng 8
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bách Tùng - phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Bộ Giao thông vận tải - cho biết thời điểm đóng cửa chính thức và thời gian đóng cửa sân bay bao lâu để thi công sẽ phải đợi kết quả nghiên cứu khả thi dự án để quyết định. Lúc đó sẽ có thông báo rộng rãi đến địa phương và người dân.
Về mong muốn của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và người dân là thi công đồng thời 3 dự án để tiết kiệm thời gian và đưa vào khai thác đồng bộ, ông Tùng cho biết đây cũng là quan điểm của Bộ Giao thông vận tải.
Bộ mong muốn triển khai đồng thời 3 dự án từ tháng 6-2023 cho đến tháng 12-2024 để đưa vào khai thác đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư sân bay Côn Đảo. Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị các công việc cần thiết để triển khai các dự án trong thời gian đó.
Theo ông Tùng, trong quá trình xây dựng sẽ bố trí các bãi hạ cánh cho máy bay trực thăng tại sân bay Côn Đảo để khai thác trong trường hợp cần thiết, khẩn cấp hoặc khai thác hằng ngày như một kênh phục vụ đi lại của người dân bên cạnh đường biển.
Ông Tùng cho biết Bộ Giao thông vận tải hoàn toàn chia sẻ với tâm tư của các doanh nghiệp, người dân, nhưng hiện Côn Đảo chỉ có một vị trí phù hợp để làm sân bay là sân bay hiện tại nhưng cũng khó kéo dài được đường băng.
Ngày 9-8, Bộ Giao thông vận tải cũng đã làm việc với các cơ quan liên quan về việc triển khai các dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn yêu cầu sớm chốt phương án, tiến độ thực hiện báo cáo bộ trong tháng 8-2022.
Hàng không sẽ thiệt hại lớn Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-8, đại diện Bamboo Airways và VASCO cho hay đã nắm được thông tin về kế hoạch khởi động dự án nâng cấp sửa chữa sân bay Côn Đảo trong vòng 9 tháng, kể từ tháng 4 đến cuối tháng 12-2023. Hiện tần suất của VASCO từ 12-14 chuyến/ngày, Bamboo khai thác 4-7 chuyến/ngày. Đại diện VASCO cho biết đã tính toán đến phương án nếu đóng cửa sân bay Côn Đảo, một đường bay được cho là "sống còn" của hãng, việc xoay chuyển phương án kinh doanh đang được tính toán kỹ lưỡng. Trước mắt sẽ nghiên cứu đẩy mạnh các đường bay khác trong thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo và chờ thời gian tái cơ cấu đội bay, bán những dòng máy bay cũ ATR72 thay thế những dòng máy bay mới. Trong khi đó, Bamboo Airways cho biết đang trong quá trình nghiên cứu mở thêm các đường bay thay thế để tối ưu nguồn lực tàu bay khi dừng bay Côn Đảo. Ước tính thiệt hại trong việc đóng cửa này, dù chưa có số liệu cụ thể song thiệt hại được tính toán hàng trăm tỉ đồng/hãng. Nếu chậm tiến độ sẽ kéo dài thời gian đóng cửa thì thiệt hại càng nhiều. CÔNG TRUNG Tàu thủy cao tốc hiện nay không phù hợp nhiều người Ông Trần Song Hải - tổng giám đốc Công ty tàu cao tốc Greenlines DP - tỏ ra lo lắng cho vai trò của tàu cao tốc chở khách đi Côn Đảo. Lý do là các tàu cao tốc đi Côn Đảo hiện tại ngắn, có mớn nước nông nên người đi dễ bị say sóng. Ông nói: "Với tư cách là người tham gia vận chuyển hành khách đi Côn Đảo, tôi ủng hộ phương án phải có đường hàng không khác thay thế cho máy bay phản lực như trực thăng. Bởi những người lớn tuổi hay sức khỏe yếu thì phải rất cân nhắc khi đi tàu cao tốc". Ông Hải cho rằng về lâu dài muốn cho tuyến đường biển ra Côn Đảo thuận tiện cho hành khách thì cần phải có các con tàu du lịch cỡ lớn. Ông cũng thông tin sắp tới sẽ có tàu dài khoảng 80m, mớn nước từ 3-4m nên sẽ cải thiện đáng kể tình trạng say sóng. |
Tác giả: ĐÔNG HÀ - TUẤN PHÙNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ