"Máu liều" của người đàn ông vay nợ gần nửa tỷ đồng để làm…tài xế chở khách
Gặp được anh Nguyễn Văn Cường (SN 1982) sau vài lần hẹn hụt, trở về sau một chuyến lái xe đường dài hai chiều Hải Phòng – Bắc Giang, anh rối rít xin lỗi vì sự bận bịu của mình.
Gắn bó với nghề tài xế đã 7 năm nay, anh Cường luôn dành tình yêu lớn cho công việc hiện tại, bởi đó là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình nhỏ của anh.
Anh Nguyễn Văn Cường đã gắn bó với nghề lái xe 7 năm nay. |
Anh Cường bảo, với một người chỉ học hết cấp hai rồi lăn lộn đủ nghề như anh, có được một công việc ổn định đã là điều may mắn.
Anh gắn cuộc đời mình với hai chữ "lông bông" bởi tuổi trẻ ham chơi và không có định hướng. Phần vì gia đình chỉ tầm tầm không thể lo cho con cái quá nhiều, phần vì bản thân anh cũng ghét sách vở chữ nghĩa nên chán trường lớp, 17 tuổi anh đã ra đời trải nghiệm thực tế.
Năm 2011, trở về sau 3 năm nhập ngũ, anh Cường học lái xe với ý định tương lai "kiểu gì cũng phải mua một chiếc oto che mưa che nắng cho vợ con". Nghĩ là làm, rồi cũng từ tấm bằng lái oto ấy, anh bén duyên với nghề lái xe từ lúc nào chẳng hay.
Sắm được một chiếc oto che mưa nắng cho vợ con là ước mơ đã nhiều năm của anh. |
Gắn bó 3 năm với nghề tài xế taxi cho một hãng lớn của thành phố, từ anh chàng chuyên bắt điểm trượt, mất cả gần triệu bạc tiền xăng mà vẫn không đón được khách đúng hẹn, anh Cường đã thông thạo mọi tuyến đường và có thể lái xe đi tỉnh đều đặn.
Vốn tính hài hước, có tài bắt chuyện để người đối diện tâm sự như bạn bè, anh Cường được nhiều khách mến, khen ngợi sự cần cù, lái cẩn thận nên lượng "khách ruột" cứ tăng vù vù sau ngần ấy năm ngồi sau vô lăng.
Thời điểm năm 2014, anh Cường quyết định nghỉ việc ở hãng, liều lĩnh vay mượn gần nửa tỷ đồng để mua một chiếc oto riêng.
Anh chia sẻ: "Khi ấy thu nhập chỉ tầm 7-8 triệu/tháng chưa kể tiền xăng xe, thật sự không đủ để nuôi vợ con. Mình là trụ cột gia đình, mình cũng phải có cái chí để vươn lên.
Trằn trọc mấy đêm tính kế này kế khác, thế rồi sáng dậy mình cũng nộp đơn xin nghỉ việc khiến ai cũng bất ngờ. Và càng sốc hơn khi chạy vạy từng nơi quen vay mượn tiền mua xe ô tô con. Ngày ấy, mẹ và vợ còn "khen" mình liều và…điên (cười)".
Nửa tỷ đồng là số tiền trong mơ anh cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến sẽ được cầm trong tay. Ấy vậy mà anh Cường dám vay mượn để tự mua chiếc xe ô tô để tiếp tục theo đuổi nghề tài xế.
Anh vẫn thường tự bảo trì, kiểm tra chiếc xe "bảo bối" gần nửa tỷ đồng của mình. |
Anh bảo, đời người hơn nhau ở chữ "liều", nếu không mạo hiểm ngày ấy thì anh và gia đình cũng sẽ không có được một cuộc sống tạm ổn định như bây giờ.
7 năm gắn bó với nghề lái xe, đến giờ, nhờ sự cần mẫn và tích cóp qua thời gian, anh Cường đã có thể trả hết nợ cũ và thực hiện được mong muốn "kiểu gì cũng phải mua một chiếc ô tô che mưa che nắng cho vợ con".
Lái xe tư nhân 4 năm nay, anh thầm cảm ơn công việc hiện tại đã giúp anh "đổi đời" từ gã trai lông bông không bằng cấp thành một người có nghề nghiệp trong xã hội.
Nhưng 7 năm theo nghề, cũng có chồng chất những nỗi khổ "làm dâu trăm họ" mà anh và cánh tài xế chỉ biết rỉ tai nhau chứ chẳng biết chia sẻ cùng ai.
Muôn vàn nỗi khổ "làm dâu trăm họ" chẳng biết kể cùng ai của nghề tài xế
Anh bảo: "Nghề nào cũng đủ điều thị phi, cũng có mặt tiêu cực, tích cực". Như nghề lái xe của anh, hầu hết đều là khách quen đặt trọn gói cả chiều đi chiều về nên cũng không có quá nhiều bất cập.
Như ngày anh mới làm tài xế taxi cho hãng xe, đúng là những nỗi khổ trong nghề, chỉ có cánh tài xế mới thấu hiểu hết.
Khách say rượu, cướp đêm, bị quỵt tiền, "Thượng đế" khó tính hạch sách, người tham gia giao thông vô ý thức, những đêm chạy xe đường dài không ăn không ngủ… đều là những câu chuyện khổ tâm của nghề lái xe "làm dâu trăm họ" này.
Vốn thích đọc báo, bởi luôn tự ti mình là người ít chữ, anh Cường cũng hiểu người dân chẳng ưa gì cánh tài xế các anh.
Nhiều tài xế phóng nhanh vượt ẩu cướp đi sinh mạng của người khác một cách bất cần, nhiều người thái độ phục vụ không tốt với khách, thậm chí gian lận không bật đồng hồ số để ăn chênh lệch tiền của "Thượng đế"…
Nhưng anh Cường vẫn một mực khẳng định, những tiêu cực ấy không phải là tất cả. Nếu cứ nhìn thấy tài xế mà hậm hực, mà oán trách thì đúng là… "vơ đũa cả nắm". Giống như anh đã chia sẻ: "Nghề nào cũng đủ điều thị phi, cũng có mặt tiêu cực, tích cực".
Anh Cường kể: "Hàng ngày ra đường gặp đủ kiểu người: Hiền lành, dễ thương có và khó tính, kênh kiệu, chảnh cũng nhiều. Vẫn biết họ bỏ tiền ra thì là "Thượng đế", nhưng cánh tài xế cũng có lòng tự trọng của mình. Chung quy lại ai cũng muốn phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, nhưng đôi lúc cũng gặp nhiều chuyện…oái oăm".
Những ngày mới chạy xe, còn lóng ngóng điểm đón khách, gặp những trường hợp khách say rượu, nôn ra xe hay những người đi cả chặng dài từ Hải Phòng lên Quảng Ninh rồi quỵt tiền, anh cũng đành ngậm ngùi coi như số mình đen.
Không chỉ bị quỵt tiền, chạy xe đường dài là phải chấp nhận cả những đêm ngủ lại trên xe vì hỏng giữa đường, giữa đêm không thể tự sửa chữa. |
Nhiều khi "Thượng đế" cũng hạch sách, ngõ nhỏ ô tô không vào được nhưng cũng nhất quyết bắt anh Cường vào tận nơi. Xước xe, anh cũng phải hiền hòa an ủi mình "tự làm tự chịu".
Những ngày đầu vào nghề gặp đủ chuyện oái oăm là thế, dù đã được nhiều đồng nghiệp cảnh báo trước về những tình huống của nghề "làm dâu trăm họ" này nhưng anh Cường vẫn "sốc" trước thái độ của nhiều người "cho rằng có tiền là có tất cả".
Cũng có những người tham gia giao thông không chịu chú ý làn đường, phi sang cả làn ô tô khiến anh nhiều khi phải phanh gấp, đánh lái bất ngờ để đảm bảo an toàn cho cả hai bên.
Với những "hung thần xa lộ" không hiểu luật ấy, anh Cường thường chẳng bao giờ đôi co mà luôn tự nhủ, bản thân phải giữ bình tĩnh và chú ý quan sát hơn.
Vốn tính xuề xòa, dễ chịu, anh vẫn cho qua mọi chuyện bực tức của ngày hôm trước để 5h sáng hôm sau vào ca, anh lại tươi cười với khách như bạn bè.
Sự hòa đồng, thân thiện ấy chính là điểm cộng khiến anh được khách tin tưởng. Ngồi nghĩ lại những điều đã qua, anh Cường vẫn không khỏi tự hào đùa rằng, chính anh là người đã cứu chiếc tàu thủy ở Huế nhờ 12 tiếng đồng hồ chạy xuyên đêm "cứu hộ".
Anh kể: "Đợt rét cuối năm 2016, gió bấc lên khiến các chủ tàu lo lắng lắm. Mình đang ngồi ăn cơm tối sau khi từ Hà Nội về thì có người gọi điện báo chở 2 cục máy vào Huế, đi gấp trong đêm nay.
Vừa đi đường dài về nên mình cũng tính không nhận dù họ có trả tiền cao, bởi đường xa cả đi cả về quãng gần 1500km.
Nhưng nghe bảo nếu không có 2 cục máy này thì tàu chìm mất, mà khách thì không tin tưởng giao cho xe khách đường dài nên mình buông vội bát cơm, đi liền 12 tiếng trong đêm ấy để ‘cứu hộ’. Khách báo tàu ổn rồi, còn gọi mình là "người hùng" khiến mình vừa ngại vừa vui (cười)".
Anh bảo, 7 năm tức là gần 22.000 ngày, mỗi ngày anh gặp biết bao nhiêu khách, từng ấy ngày gắn bó với nghề là "nghìn lẻ một đêm" câu chuyện và những điều oái oăm.
Bỏ lại những nhọc nhằn của nghề lái xe "làm dâu trăm họ" này, anh vẫn dành niềm vui nhỏ khi về nhà phụ vợ chuyện gia đình. |
Kể khổ vậy chứ anh vẫn yêu nghề lắm. Vay mượn liều lĩnh và học lái xe cũng đã giúp anh có được một chiếc ô tô của riêng mình, có thể đưa gia đình đi chơi mỗi dịp rảnh. Bởi nghề nào cũng có đủ điều thị phi như anh đã nói, nên yêu nghề, có duyên với nghề thì phải chấp nhận cả điều tốt, điều xấu.
Tác giả: Thùy Trang
Nguồn tin: Báo Trí Thức Trẻ