Cô Vi Thị Ỏn và học sinh trong giờ học. |
Là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, cô Vi Thị Ỏn, Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) có những biện pháp bài bản huy động HS đến lớp.
Trăn trở của giáo viên vùng khó
Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới địa hình hiểm trở, các xã hầu như nằm rải rác trên các sườn núi cao nên việc vận động học sinh đến lớp gặp nhiều khó khăn.
Là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo người dân tộc Thái Vi Thị Ỏn trăn trở khi mỗi dịp trước và sau tết, học sinh hầu như không đến lớp. Nguyên nhân do các em ở nhà giúp gia đình kiếm con lợn rừng, con chồn bán lấy tiền tiêu trong dịp tết; hoặc để làm thức ăn.
Sau tết, nhiều anh chị đi làm công ty về có tiền mua được điện thoại, quần áo, giày dép đẹp nên các em rất thích. Không ít học sinh lớp 7, 8, 9 theo các anh chị trong bản, bỏ học đi làm công ty ở tỉnh xa. Một số hộ gia đình bố mẹ đi vào Tây nguyên, Đắk Lắk để hái cà phê nên các em cũng bỏ học đi theo bố mẹ. Những ngày mùa gặt lúa, thu hoạch bắp và mùa đót, bứt mây, các em cũng thường bỏ học ở nhà làm mùa…
Cô Vi Thị Ỏn cho biết: Nơi đây, phần lớn cha mẹ học sinh không được học hành đầy đủ, còn xem nhẹ việc học tập của con em mình. Dù con có đi học hay không, phụ huynh cũng không quan tâm, không nhắc nhở; hoặc có chăng nữa cũng chỉ qua loa, đại khái, không thiết tha lắm với việc học của con em.
Đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, chưa xác định được việc học là quan trọng. Trong một tuần, các em đi học ba, bốn buổi (thường đi thứ Hai, về thứ Sáu), lượng kiến thức tiếp thu bị gián đoạn. Có em nghỉ luôn trong vài tuần. Khi được giáo viên phụ trách bản, giáo viên chủ nhiệm đến nhà vận động, được thầy cô phân tích, nhưng ngày hôm sau em vẫn không đến trường, mặc dù đã hứa với thầy cô là sẽ đến...
Trong khi đó, công tác vận động của giáo viên không phải lúc nào cũng thực hiện được. Giáo viên phải đi vào buổi trưa hoặc buổi tối mới gặp phụ huynh và học sinh ở nhà. Đó cũng là một khó khăn.
“Về phía nhà trường, cơ sở vật chất, thiết bị trường học còn thiếu, phòng thí nghiệm, y tế, nhà vệ sinh cho học sinh chưa đảm bảo, phòng ở cho các em ở lại bán trú còn thiếu. Tuy nhà trường đã thực hiện tốt chương trình, kế hoạch dạy học, nhưng do cơ sở vật chất thiếu thốn, phương pháp giảng dạy tích cực chưa được áp dụng sâu rộng nên chưa cuốn hút được các em”, cô Vi Thị Ỏn chia sẻ.
Các thầy cô giáo kết hợp chính quyền xã chở học sinh đến trường. |
Kiên trì và huy động sức mạnh phối hợp
Duy trì tốt sĩ số học sinh là vấn đề hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh vùng sâu, vùng xa thường tự ý nghỉ học, bỏ tiết, đặc biệt là học sinh yếu kém. Do vậy, Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên tổng phụ trách đội cần phối kết hợp với Hội cha mẹ học sinh để vận động các em đến trường.
Phối hợp chặt chẽ với các phong trào, hoạt động; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với Hội phụ huynh của nhà trường; sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, theo cô Vi Thị Ỏn, chính là giải pháp quan trọng nhất để giữ vững sĩ số học sinh.
Để làm được điều trên, đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp phải là người có uy tín, toàn diện, có năng lực thực sự, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đầu tư để có giờ dạy thu hút học sinh, giáo viên chủ nhiệm cần hiểu rõ về học sinh của mình, từ hoàn cảnh đến tính cách, tâm lý, để giúp đỡ, động viên các em. Thuyết phục được các em ở lại bán trú để đảm bảo sức khỏe và thời gian học tập cũng là một thành công trong công tác vận động.
Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần nhẹ nhàng, không gay gắt, thúc giục khi nhiệm vụ chưa hoàn thành; luôn có những lời động viên, khích lệ, ghi nhận sự cố gắng hay tiến bộ của học sinh). Thầy cô lên lớp không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn gieo cho các em niềm tin, nghị lực, lẽ sống và ước mơ.
Không chỉ thế, mỗi thầy giáo, cô giáo phải thật gắn bó với địa bàn, trở thành người thân trong các gia đình người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nhà trường kết hợp với ban quản lý bản tuyên truyền để các bậc phụ huynh học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, không bắt con em đi làm công ty khi chưa đủ tuổi lao động, giúp phụ huynh hiểu cản trở việc học hành của con em là vi phạm pháp luật.
“Ngoài thời gian soạn giáo án, lên lớp giảng bài, các thầy giáo, cô giáo phải dành nhiều thời gian đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Việc trèo đèo, lội suối đến từng bản, vận động các em tới lớp của giáo viên là “chuyện thường ngày ở trường”. Công tác vận động học sinh đến lớp không phải ngày một ngày hai; do đó đòi hỏi thầy cô sự kiên trì, không được nản và phải tranh thủ được sự ủng hộ từ các ban ngành đoàn thể của nhà trường, địa phương”, cô Vi Thị Ỏn cho hay.
Để công tác vận động và duy trì sĩ số học sinh đạt hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm cần phải có tâm đối với mọi học sinh, phải hiểu hoàn cảnh từng học sinh để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em ham thích học tập, yêu mến thầy cô, mến bạn. Việc chống lưu ban, bỏ học là nhằm nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ cho học sinh miền núi, góp phần nâng cao dân trí. Cô Vi Thị Ỏn |
Tác giả: Hải Bình
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn