Kinh tế

Không tăng giá điện có thể mất cân đối cung và cầu, nhưng tăng sẽ ra sao?

Đó là nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương về dự thảo giá điện sinh hoạt của Bộ Công Thương.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo dự thảo này, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia làm sáu bậc như hiện nay. Điểm mới của dự thảo là biểu giá điện quy định giá điện mỗi bậc thang tính theo tỷ lệ % so với giá điện bán lẻ bình quân, nhưng khoảng cách giữa các bậc thang vẫn giữ nguyên như cũ.

Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện - Ảnh minh họa.

Bậc 1: Từ 0-50 kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân

Bậc 2: Từ 51-100 kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân

Bậc 3: Từ 101-200 kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân

Bậc 4: Từ 201-300 kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân

Bậc 5: Từ 301-400 kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân

Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân

Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt: được xem xét, nghiên cứu theo hướng nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, Indonesia, Thái lan, Malaixia... đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - Ảnh Phương Nam.

Nói về dự thảo giá bán lẻ điện sinh hoạt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: Xã hội của chúng ta đã thay đổi, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo. Trước kia chỉ có một hai cái bóng đèn thì bây giờ cũng có tủ lạnh, quạt và mức tiêu dùng điện đã tăng lên rất nhanh, bình quân hàng năm tiêu dùng sản xuất tăng khoảng 12 – 15%. Vì vậy, việc 3 năm vừa rồi chưa tăng được giá điện có thể dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu.

“Cho nên việc tăng giá điện một cách hợp lý về mặt kinh tế học phải chấp nhận. Nếu không tăng giá điện sẽ không có nhà đầu tư tư nhân nào họ đầu tư vào”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Tuy nhiên, điều tiến sĩ Lê Đăng Doanh băn khoăn là tham bậc và khoảng cách để được hưởng giá ưu đãi vẫn không thay đổi. Tiến sĩ Doanh cho biết, với 50 kWh giờ một tháng, một hộ dân chỉ được dùng 2 - 3 bóng đèn là hết. Cho nên, ở Bậc 1 (dưới 50 kWh) giờ cần xem xét và nới ra cho các hộ nghèo, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, một điều đáng chú ý là khoảng cách hộ tiêu dùng cao từ 200 - 400 kWh (Bậc 4, Bậc 5) không có thay đổi gì cả so với định mức tham chiếu cũ nên đây là điều cũng cần phải bàn bạc.

“Tại sao dưới dưới 50 kWh anh thay đổi còn từ 200 - 400 kWh giờ anh không thay đổi điều đó có hợp lý chưa?”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.

Một điều nữa cũng khiến Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân vân về dự thảo giá bán lẻ điện sinh hoạt đó là: Cần thực hiện công khai tính giá theo giờ cao điểm như thế nào, đo như thế nào và giám giá như thế nào. Bởi giờ cao điểm, giá tăng lên rất cao, đây là thời điểm các hộ gia đình đều phải tiêu dùng nên việc giám sát mức tiêu thụ trong khung giờ này cần được đưa ra công khai.

“Nhiều nước trên thế giới giá điện giờ cao điểm tính theo nửa giờ một. Cho nên bây giờ kĩ thuật đo như thế nào, tính giá như thế nào để người tiêu dùng họ biết, họ điều chỉnh sao cho công khai minh bạch mới là điều quan trọng nhất” Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Tác giả: Phương Nam

Nguồn tin: vietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP