Ao cá của bà Trần Thị Lài giờ đã thành vườn cây xanh mướt nhưng bà vẫn được cấp cá giống để về... cho |
Ao lấp 1 năm vẫn được cấp cá giống
Những năm 2000, gia đình bà Trần Thị Lài (56 tuổi, trú ở bản Trung Thành, xã Yên Khê, huyện Con Cuông) đào ao thả cá. Năm ngoái, bà thuê máy lấp ao chuyển sang trồng ngô và rau. Tuy nhiên, ngày 17/11/2018, bà bất ngờ nhận được loa thông báo lên nhận cá hỗ trợ sau bão lụt. “Hôm đó, nghe loa tôi cũng bất ngờ. Khi đến nơi mới biết, nhà tôi được hỗ trợ 6,25kg cá giống cấp 2 do thiệt hại bão lụt năm 2016, 2017. Tôi đem số cá cho con trai vừa mới đào ao đem về thả”, bà Lài nói và cho rằng, đáng ra trước khi hỗ trợ, xã và huyện phải khảo sát trước nhu cầu của dân.
Cách đó không xa, hộ ông Nguyễn Đức Mai (72 tuổi, nguyên Trưởng bản Trung Thành) cũng ngỡ ngàng khi đã lấp ao để làm vườn nhưng vẫn nhận được 8,3kg cá giống.
Tương tự, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Diện (50 tuổi, trú bản Trung Thành) từng có 2 ao cá với tổng diện tích hơn 1.000m2, đến nay gia đình đã chuyển sang trồng lúa được hơn 1 năm. Những ngày qua, gia đình chuẩn bị làm đất để cấy vụ thứ 3 thì... cá hỗ trợ về. Không biết cho ai, vợ chồng bà lại mất 1 ngày đắp khe nước để thả cá. Tuy nhiên, mới thả được hơn 3 hôm, nhiều con cá giống đã chết. “Trước khi hỗ trợ cá, không thấy thôn bản hay xã hỏi gì. Nếu hỏi trước thì gia đình tôi sẽ đăng ký nhận lúa hoặc ngô giống”, bà Diện nói.
Một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Con Cuông cho biết thêm: Ngoài nhiều hộ không còn ao vẫn được hỗ trợ cá thì những hộ còn ao, sau khi mưa bão qua cũng đã nuôi lứa khác. Nay huyện hỗ trợ thêm cá giống đổ xuống ao là không phù hợp về mặt kỹ thuật nuôi trồng, cá dễ chết.
Được biết, tổng kinh phí mua cá giống hỗ trợ cho bà con huyện Con Cuông chịu thiệt hại từ mùa mưa bão 2016, 2017 là 944.666.000 đồng, được trích từ ngân sách tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông. Ban Phát triển nông thôn (PTNT) miền núi huyện Con Cuông là đơn vị được giao nhiệm vụ cấp phát.
Không khảo sát đã cấp phát
Cán bộ các xã Yên Khê, Bồng Khê, Đôn Phục, Mậu Đức, Bình Chuẩn cho biết thêm: Việc hỗ trợ cá lần này đều không được khảo sát trước mà chỉ thông báo trên loa rồi Ban PTNT miền núi huyện trực tiếp cấp phát cho dân, xã chỉ giám sát. “Việc này không chỉ xảy ra ở bản Trung Thành mà còn ở nhiều bản khác”, một cán bộ xã Yên Khê nói.
Thừa nhận việc không khảo sát trước, bà Vy Thị Thoa, Trưởng ban PTNT miền núi huyện Con Cuông cho hay: “Ban không khảo sát mà chỉ thông báo trước qua công chức nông nghiệp xã 3 ngày”. Còn về thực trạng nhiều hộ không còn ao vẫn được nhận cá, bà Thao phân bua: “Có thực trạng đó nhưng số lượng không nhiều. Hiện Ban đang còn bận một số việc nên phải sau tháng 11/2018 mới thực hiện hậu kiểm công tác hỗ trợ”.
Theo ông Trần Thanh Bình, Phó phòng NN&PTNT huyện Con Cuông, Phòng có nắm được thông tin một số hộ dân không còn ao nhưng vẫn được hỗ trợ cá. Lý giải vì sao không cấp tiền hỗ trợ thay vì cá, ông Bình nói: “Nếu giờ hộ nhận cá, hộ nhận tiền thì hồ sơ sẽ rất khập khiễng”.
Hồ sơ một nơi, tính tiền một nẻo
Theo hồ sơ, cá giống Ban PTNT miền núi huyện Con Cuông cấp cho người dân thuộc loại cá cấp 2 gồm hỗn hợp 4 loại: trắm, trôi, mè, chép. Giá mua tại đơn vị cung ứng là HTX giống thủy sản Đô Lương (xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương) là 80.000 đồng/kg. Tính cả cước vận chuyển đến các xã, giá mỗi kg cá giống vào khoảng 96.000 - 100.000 đồng. Giá cước vận chuyển lại không được tính từ huyện Đô Lương (nơi cấp cá giống) mà được tính từ trại giống ở huyện Diễn Châu - nơi có quãng đường dài gấp đôi lên Con Cuông.
Người dân và nhiều cán bộ xã, cán bộ huyện Con Cuông cho biết, mức giá đó là quá cao, nếu để người dân mua thì chỉ khoảng 60.000 đồng/kg. Trong vai một người đi mua cá giống, qua điện thoại, PV được đại diện HTX giống thủy sản Đô Lương cho biết: Nếu mua 1 tấn cá giống cấp 2 thì giá 60.000 đồng/kg. Nếu HTX vận chuyển lên tận ao (ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông) là 65.000 đồng/kg.
Trước thực tế này, bà Vy Thị Thoa cho biết, cá giống đơn vị mua cấp phát cho dân căn cứ và bằng đúng giá tối đa quy định trong thông báo của Sở Tài chính Nghệ An. Tuy nhiên, khi PV bày tỏ muốn được xem hóa đơn chứng từ mua cá, bà Thoa lại phân bua: “Việc hỗ trợ cá giống cho người dân tuy đã thực hiện nhưng tiền chưa được giải ngân nên hồ sơ chưa đầy đủ, hóa đơn mua hàng cũng chưa lấy. Còn về giá cước vận chuyển tính từ Diễn Châu chắc là trong quá trình làm hồ sơ, nhân viên đánh máy lỗi”.
Theo bà Phan Thị Ngọc Hoa, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Con Cuông, tiền hỗ trợ cá cho đồng bào chịu ảnh hưởng của mưa bão năm 2016, 2017 chưa được giải ngân. Còn việc mua cá giống ở huyện Đô Lương nhưng giá cước vận chuyển lại tính từ huyện Diễn Châu, đến giờ Phòng mới nắm được. “Như thế là chưa đúng và chưa phù hợp, Phòng xin ghi nhận và sẽ kiểm tra lại, nếu sai sót sẽ điều chỉnh, xử lý”, bà Hoa nói. |
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông