Hai cựu tướng công an vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. |
Không thể chấp nhận sự tiếp tay, đồng lõa
Đề cập vấn đề chống tham nhũng, tại phiên họp Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Điều này cho thấy sự quyết tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay?
Trước tiên, tôi thấy câu nói của Tổng Bí thư về công cuộc phòng chống tham nhũng: Ai e dè, ai không làm được thì dẹp sang một bên để người khác làm là rất đúng. Bởi ai còn ngần ngại, ai còn né tránh, ai không đủ dũng khí làm việc này thì phải dẹp sang một bên để người khác có đủ điều kiện hơn cả về phẩm chất lẫn năng lực làm.
Không phải bây giờ, mà trước đây, Tổng Bí thư cũng từng nói, người tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật, nếu tay đã nhúng chàm thì không thể nào làm tốt được công việc của mình. Ai đã trót nhúng chàm thì phải sớm tự giác gột rửa.
Cơ quan bảo vệ pháp luật mà tay lại nhúng chàm, có vấn đề rồi e ngại, nể nang không có dũng khí, không có bản lĩnh thì làm sao có thể làm được một công việc đầy khó khăn, thách thức như thế? Cho nên những người tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng, người trong cơ quan bảo vệ pháp luật trước tiên phải có bàn tay sạch, không được nhúng chàm.
Tôi đồng cảm và chia sẻ với ý kiến của Tổng Bí thư về công cuộc phòng chống tham nhũng. Chỉ có như thế mới củng cố được bộ máy phòng chống tham nhũng của chúng ta.
Thực tế vừa qua, không ít cán bộ cấp cao làm trong bộ máy phòng chống tội phạm lại tiếp tay rồi trở thành tội phạm. Như vậy, muốn phòng chống được tham nhũng, trước tiên phải làm trong sạch chính bộ máy cơ quan bảo vệ pháp luật, thưa ông?
Đúng là trong thời gian vừa qua, có tình trạng một số cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật, phòng chống tội phạm lại chính là tội phạm. Điển hình như vừa qua, cơ quan phòng chống tội phạm về công nghệ cao lại vi phạm pháp luật về công nghệ cao, lại là tội phạm về công nghệ cao.
Vụ khởi tố bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên là hai vị tướng công an là một dẫn chứng rất cụ thể. Chúng ta không thể chấp nhận người đứng trong một cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm lại trở thành tội phạm, hoặc tiếp tay cho tội phạm, đồng lõa với tội phạm.
Rõ ràng câu nói của Tổng Bí thư mang tính thời sự, thể hiện sự kiên quyết trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Để làm tốt điều này, trước hết phải làm trong sạch chính bộ máy của cơ quan bảo vệ pháp luật trước. Giả sử nếu anh là cán bộ trong cơ quan kiểm tra, hay cơ quan thanh tra mà lại vi phạm thì làm sao có thể thanh tra, kiểm tra một cách công tâm, minh bạch được, sẽ nhụt chí ngay.
Đó vừa là nguyên nhân cũng vừa là bài học đắt giá cho những người làm công tác bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm và đặc biệt là những người làm công tác phòng chống tham nhũng.
Sàng lọc để có đội ngũ tinh thông
Trong bối cảnh tham nhũng có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, lại liên kết bè phái với nhau, phải có sự sàng lọc thì chống tham nhũng mới hiệu quả?
Có thể thấy, câu nói của Tổng Bí thư mang tính hình ảnh. “Dẹp sang một bên” nghĩa là anh không đủ dũng khí, không đủ điều kiện về phẩm chất và năng lực thì anh đừng làm nữa, để cho người khác làm.
Cho nên, vấn đề đặt ra là công tác tuyển chọn, sàng lọc để cho đội ngũ phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, có bản lĩnh, hết lòng vì nhân dân, vì đất nước, vì sự nghiệp phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm. Ai cũng sợ tham nhũng thì ai đứng ra phòng chống?
Muốn chống tham nhũng hiệu quả, phải cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Ông thấy sao về điều này?
Phòng chống tham nhũng, tội phạm không chỉ có một người hoặc một nhóm người, mà phải cả hệ thống chính trị và đặc biệt phải từ trên xuống dưới. Còn hiện tượng trên nóng dưới lạnh, trên bảo dưới không nghe, trên sốt ruột, dưới ung dung thì công cuộc phòng chống tham nhũng sao tốt được.
Chống tham nhũng không phải nước ta mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều rất cam go, quyết liệt: Một bên là chính nghĩa, một bên phản chính nghĩa; một bên là vì nhân dân, một bên vì lợi ích của chính mình, của nhóm mình. Đó là sự xung đột các lợi ích. Chính vì thế bao giờ cũng có những căng thẳng, quyết liệt và chúng ta cũng không thể nóng vôi.
Chừng nào còn quyền lực, còn lợi ích thì còn tham nhũng. Ở quốc gia nào cũng thế. Cho nên, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, hết sức bình tĩnh nhưng phải kiên quyết và không chịu lùi bước. Nếu không kiên quyết mà lùi bước thì rõ ràng chúng ta đã thua.
Theo ông, cử tri và nhân dân có vai trò như thế nào trong cuộc chiến cam go, quyết liệt này?
Chúng ta không thể và không nên làm đơn thương độc mã chỉ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà phải huy động sức mạnh, tai mắt từ nhân dân, cử tri cả nước, huy động các tổ chức chính trị xã hội tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Họ mới là những người gần nhất, sát nhất, có thể phát hiện ra và tố cáo, cung cấp những thông tin cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chính vì thế, ngoài các cơ quan bảo vệ pháp luật, phải huy động được nhân dân và cử tri tham gia vào cuộc chiến này. Tuy nhiên, muốn huy động tốt thì phải có cơ chế tốt. Nghĩa là làm sao phải có cơ chế bảo vệ người tố giác tội phạm, tố giác tham nhũng. Đồng thời có cơ chế khen thưởng kịp thời, động viên khuyến khích để toàn dân vào cuộc. Có như vậy, công cuộc phòng chống tham nhũng mới mang lại hiệu quả cao hơn.
Cảm ơn ông.
“Không thể chấp nhận người đứng trong một cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm lại trở thành tội phạm, hoặc tiếp tay cho tội phạm, đồng lõa với tội phạm. Rõ ràng câu nói của Tổng Bí thư mang tính thời sự, thể hiện sự kiên quyết trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Để làm tốt điều này, trước tiên phải làm trong sạch chính bộ máy của cơ quan bảo vệ pháp luật”. Ông Lê Như Tiến |
Tác giả: THÀNH NAM (THỰC HIỆN)
Nguồn tin: Báo Tiền Phong