Trong tỉnh

Khi Nghệ An làm tổ đón 'đại bàng'

Nghệ An đang có hướng đi tốt trong thu hút đầu tư nước ngoài và đạt được kết quả ngoài mong đợi khi năm 2024, đã thu hút được hơn 1,7 tỷ USD vốn FDI và là năm thứ 3 liên tiếp nằm trong tốp 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước.

"Đại bàng" làm tổ

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, kinh tế - xã hội trong nước và tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng rõ rệt theo tình hình chung của thế giới...

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An cùng với sự đồng lòng, bám sát các nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã làm tốt chức năng chủ trì, đầu mối tham mưu lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ phát triển KKT, các KCN của tỉnh Nghệ An. Đây là bước "bứt phá" đáng ghi nhận với sự nỗ lực của Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý KKT Đông Nam cũng như sự tin tưởng của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh các nhà đầu tư hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt, đến nay Nghệ An đã trở thành điểm đến của các tập đoàn lớn trênthế giới trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Goertek; Luxshare - ICT, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny, YoungJin…

Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An đã đầu tư gần 300 triệu USD vào khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1. Ảnh: Văn Dũng.

Hay, mới đây Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chứng nhận Mega TextileSingapore Private Limited là nhà đầu tư thực hiện dự án Mega Textile - Viet Nam. Dự án được thực hiện trên diện tích hơn 51,18ha, tại khu công nghiệp Thọ Lộc (Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 2), xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. Đây là dự án FDI có tổng mứcđầu tư lớn nhất từ trước tới nay ở Nghệ An, với tổng vốn đầu tư hơn 14.775,9 tỷ đồng (tương đương 590 triệu USD).

Việc đầu tư dự án Mega Textile Vietnam đã chứng minh môi trường đầu tư của Nghệ An đang rất hấp dẫn, qua đó duy trì đượcnguồn vốn FDI mà tỉnh này thu hút được vào các khu công nghiệp trên địa bàn, đưa Nghệ An năm thứ 3 liên tiếp nằm trong tốp 10 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 1,7 tỷ USD. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 148 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 5,77 tỷ USD.

Điểm cộng từ nguồn nhân lực

Năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ có thêm nhiều nhà máy của các doanh nghiệp FDI ở Nghệ An đi vào hoạt động, dẫn đến nhucầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Trao đổi với Tạp chí Nhà đầu tư về vấn đề này, ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho hay, việc dòng vốn FDI liên tục chảy vào tỉnh Nghệ An, nhất là trong 3 năm trở lại đây, khi các dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện, sản xuất linh kiện ô tô, năng lượng xanh đã bắt đầu đi vào hoạt động, nhu cầu sử dụng lao động từ đó cũng tang cao; một số dự án sử dụng nhiều lao động đã bắt đầu khó khăn trong công tác tuyển dụng ngay từ đầu năm 2024, kể cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, cán bộ quản lý các cấp.

Theo ông Lê Tiến Trị, với lợi thế sẵn có của tỉnh Nghệ An là nguồn nhân lực dồi dào, dân số trẻ nên dễ dàng tiếp nhận các côngnghệ mới, kỹ năng ngoại ngữ; số lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm hằng năm cao (mỗi năm có khoảng 60 đến 70 ngàn người); mức lương tối thiểu vùng của TP. Vinh và các huyện lân cận tăng lên vùng II kể từ năm 2019; thu nhập bình quân củangười lao động, nhất là trong các khu công nghiệp đã tăng lên đáng kể (mức thu nhập bình quân của người lao động làm việc trongKKN, KKT Đông Nam đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng); tỉnh Nghệ An có hệ thống đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (6 trường Đại học, 11 trường cao đẳng, 70 trường trung cấp và cơ sở đào tạo nghề).

"Nguồn lao động vẫn luôn là điểm cộng đối với môi trường đầu tư của tỉnh Nghệ An" ông Lê Tiến Trị nói và cho biết, hiện các Trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có sự thay đổi và đào tạo theo xu hướng của thị trường lao động, đào tạo theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Ông Lê Tiến Trị cho rằng, thị trường hang hóa, thị trường lao động... đã là "thị trường" thì khi có "cầu", chắc chắn phải có "cung". Như chúng ta biết, chu kỳ đào tạo lao động chất lượng cao tương đương với thời gian thực hiện đầu tư, xây dựng dự án. Nếu ngaytừ khi bắt đầu thực hiện đầu tư xây dựng dự án, sự phối hợp giữa nhà trường với nhà đầu tư kịp thời để cùng hợp tác, lập kế hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng đúng, sát nhu cầu thực tiễn của dự án ngay khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc thiếu nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao không còn là vấn đề khó khăn của các nhà đầu tư.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP