Kinh tế

Khách hàng "tố" công ty An Phát Thịnh kinh doanh đa cấp, lừa đảo?

Sau khi đầu tư số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng vào các gói “Pro” và “Vip” để được hưởng lợi nhuận từ các sản phẩm sữa của Công ty An Phát Thịnh, nhưng thực tế không đúng như những gì được tư vấn nên nhiều người đã làm đơn tố cáo Công ty có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, lừa đảo?

Đầu tư vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mua các gói “Pro, Vip”?

Mới đây, phản ánh tới Kiến Thức chị N.T.H. (trú tại An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, chị và nhiều người khác là khách hàng của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Phát Thịnh (gọi tắt Công ty An Phát Thịnh; trụ sở chính tại 147 phố Chùa Hà, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; Văn phòng đại diện tại ngõ 25 Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang vô cùng bức xúc trước việc Công ty này có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, lừa dối khách hàng thông qua việc bán “sữa độc quyền”.

Theo phản ánh, để “dụ dỗ” người dân tham gia “mạng lưới đa cấp”, Công ty An Phát Thịnh kêu gọi mọi người đầu tư mua các gói sản phẩm “sữa độc quyền” của Công ty này như: Gói Pro 650 nghìn đồng, VIP 65 triệu đồng.

“Với gói VIP 65 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận được 100 sản phẩm bất kỳ. Trước mắt là nhận 100 hộp sữa Canxi Nano 400g dành cho người tiểu đường và trẻ em, trị giá 50 triệu đồng. Số tiền 15 triệu đồng còn lại Công ty sẽ tự chuyển vào ví tri ân để tạo 100 mã tri ân khách hàng tương đương 12.000 ID…”, chị H. cho hay.

Một số giao dịch chuyển tiền của khách hàng vào tài khoản của Công ty An Phát Thịnh.

Theo chị H., với các gói đầu tư nói trên, các nhân viên tư vấn của Công ty An Phát Thịnh hứa hẹn người đầu tư sẽ được tri ân và hưởng lợi nhuận “khủng” từ phía Công ty. Đặc biệt ai tham gia đầu tư sớm sẽ được tri ân sớm và chỉ trong vòng một năm là thu về được 365 triệu đồng.

Khi người tham gia đầu tư trở thành cộng tác viên của Công ty An Phát Thịnh, người đầu tư còn được hưởng quyền lợi theo cấp bậc và lợi nhuận 8 tầng.

Cụ thể, với người đầu tư là cộng tác viên Pro sẽ chia làm các cấp bậc từ level 1, level 2, level 3, level 4, level 5, level 6. Các khoản lợi nhuận sẽ được tính theo cấp bậc của người đầu tư, thấp nhất là được hưởng 2%, cao nhất là 13%, người đầu tư còn được hưởng thêm từ 0,5% doanh số đến 1,5% doanh số với các cấp bậc từ level 3 đến level 6.

Chị H. khẳng định, những lợi nhuận khủng đều do An Phát Thịnh vẽ ra khiến chị cũng như nhiều người đầu tư khác đã “nhẹ dạ cả tin” đi vay mượn tiền hoặc dốc vốn để đầu tư. Sau 3 tháng khi chuyển tiền cho Công ty, người đầu tư chẳng thấy nhận được lợi nhuận như Công ty đã hứa, chỉ thấy bản thân lâm vào cảnh nợ nần. Thực tế, Công ty đang kinh doanh theo mô hình đa cấp lấy tiền của người sau trả cho người trước.

Chị H. cho hay, nhiều người đầu tư sau đó cũng đã làm đơn gửi Công ty để xin rút khoản tiền gốc nhưng phía Công ty không đồng ý và trả lời đó là số tiền bỏ ra mua sữa.

Sản phẩm sữa được Công ty An Phát Thịnh quảng cáo trên website.

“Công ty An Phát Thịnh đã lôi kéo được hàng nghìn người vào hệ thống “kinh doanh đa cấp”, huy động được hàng trăm tỷ đồng. Bán sản phẩm cho khách hàng không có hóa đơn, nhằm trốn thuế?”, chị H. nêu và kiến nghị “các cơ quan chức năng sớm vào cuộc tiến hành thanh, kiểm tra làm rõ mô hình kinh doanh của Công ty An Phát Thịnh để xử lý đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân”.

Doanh nghiệp nói gì?

Nhằm đa chiều, khách quan các thông tin phản ánh, ngày 4/9 PV Kiến Thức đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Hạ Văn Phước - Giám đốc Công ty An Phát Thịnh.

Ngay từ đầu, ông Phước cho biết bản thân ông đã làm việc với cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng liên quan đến các nội dung mà người dân tố cáo Công ty kinh doanh đa cấp, lừa đảo…? Tuy nhiên, với các thông tin tố cáo Công ty, ông Phước khẳng định là sai sự thật, không đúng bản chất vấn đề.

Văn phòng đại diện của Công ty An Phát Thịnh tại ngõ 25 Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ông Phước sau đó lý giải, Công ty An Phát Thịnh mới thành lập tháng 3/2020, kinh doanh chuyên về sữa và hoạt động truyền thống kết hợp với thương mại điện tử. Toàn bộ các sản phẩm sữa được Công ty đăng tải trên website “anphattinh.net”, sau đó mọi người tự vào web để đăng ký mã số mua hàng. Tiếp theo là chuyển tiền vào tài khoản của Công ty rồi Công ty chuyển phát nhanh hàng về tận nơi cho khách mà không lấy phí.

“Tôi không huy động vốn, không huy động đầu tư, ở đây là mọi người tự vào web mua hàng. Với khách hàng, họ cũng đồng nghĩa là nhân viên bán hàng của mình để hưởng quyền lợi chiết khấu theo mô hình thương mại điện tử. Một tháng Công ty trả chiết khấu 2 lần”, ông Phước khẳng định.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty An Phát Thịnh cũng khẳng định sản phẩm sữa mà Công ty ông ký hợp đồng mua từ phía Công ty đầu tư và phát triển dược phẩm THL đều là “sữa độc quyền” không có ngoài thị trường. Sản phẩm có đầy đủ giấy tờ, hóa đơn, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Toàn bộ thông tin sản phẩm đều in trên vỏ hộp. Khi bán cho khách hàng Công ty xuất hóa đơn đầy đủ, còn người ta không lấy hóa đơn đó là việc của người ta. Công ty cũng không có hợp đồng mua bán độc quyền gì với khách hàng, không ràng buộc bất kỳ điều gì”, ông Phước nói.

Bên cạnh đó, ông Phước cũng cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty mới thành lập nên chưa huấn luyện được đội ngũ “Seo” cho chuyên nghiệp, để tư vấn cho khách hàng.

“Nếu tôi làm sai, pháp luật xử phạt hành chính tôi chấp nhận, phải xử lý hình sự tôi cũng chịu”.

Giám đốc Công ty An Phát Thịnh cho biết thêm, do vướng các lùm xùm trên nên Công ty hiện không có bất kỳ giao dịch nào. Đồng thời, phía Bộ Công Thương cũng đang xem xét lại giấy phép hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp này, dù trước đó ngày 26/3/2020 Công ty đã được cấp giấy phép.

Theo tìm hiểu của PV, trước đó Công ty An Phát Thịnh đã tung ra thị trường các sản phẩm sữa như: Canxi NaNo Milk Kids Gold dùng cho trẻ em, sữa Canxi Nano Milk All People dùng cho người lớn, sữa Canxi NaNo Milk Diabet dùng cho người tiểu đường.

*Kiến Thức tiếp tục thông tin.

Theo Nghị định 40/2018NĐ-CP, ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định, cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

-Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

Tác giả: Đoàn Khang

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP