“Tôi nhận thấy rằng tôn trọng, lắng nghe và tạo mối quan hệ với mọi người để hoàn thành một việc gì đó thì tốt hơn so với việc chỉ đi vào phòng và nói đây là công việc chúng ta phải làm… Đó không phải là cách hay trong ngoại giao”, Kerry nói. Ảnh: Getty.
Sự kiên trì của ông giúp đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt giữa Iran và 6 cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ, và một thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Bức ảnh chụp ông bế cháu gái trong lúc ký vào thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu hồi tháng 4/2016. Ảnh: Getty.
Cả những người ủng hộ và chỉ trích John Kerry đều cho rằng ông là người làm việc không biết mệt mỏi, không tuân theo khuôn mẫu và quan trọng nhất là không sợ thất bại. Họ nói rằng ông tìm mọi cách để theo đuổi chính sách ngoại giao của Mỹ, ngay cả khi những nỗ lực của ông vấp phải khó khăn. Ảnh: Getty.
Trước khi làm ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry từng đi khắp thế giới, tập trung vào các vấn đề viện trợ nhân đạo, không phổ biến hạt nhân, biến đổi khí hậu, buôn ma túy xuyên quốc gia và rửa tiền. Ông đóng vai trò người gỡ rối ngoại giao trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama khi giữ chức chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông đến Pakistan để làm dịu mối quan hệ với nước này sau khi Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hay đến Triều Tiên để nỗ lực ngăn chặn thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân khỏi đổ vỡ. Ảnh: Getty.
Từ năm 2013 đến nay, ông đã đi khoảng 2,2 triệu km, nhiều hơn những người tiền nhiệm và đến thăm 91 quốc gia trong 585 ngày. Theo CNN, ông đã tạo ra nhiều đột phá hơn cả cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ảnh: AP.
Bà Clinton nhậm chức ngoại trưởng nhưng vẫn giữ tham vọng làm tổng thống, nhiều người tin rằng đây chính là lý do khiến bà luôn thận trọng. Ông Kerry thì khác, thời điểm kế nhiệm bà Clinton cũng là lúc sự nghiệp chính trị của ông bước vào giai đoạn cuối. Vì vậy, ông không sợ thất bại. “Nếu anh nói (với Kerry) rằng ông đang chạy về phía bức tường gạch, ông ấy (vẫn) sẽ đâm thẳng vào đó”, một quan chức cấp cao thân cận với Kerry cho hay. Ảnh: Getty.
John Kerry là người coi trọng các mối quan hệ cá nhân. Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov được coi là “cặp đôi kỳ quặc”, cả hai vẫn thân thiện với nhau ngay cả khi mối quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng. Mối quan hệ của họ đã giúp ra đời thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận khiến Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ vũ khí hóa học. Bên cạnh đó, những năm tháng khi còn là thượng nghị sĩ đã giúp Kerry có một sự tự tin tuyệt vời. “Hãy cho tôi ở cùng phòng (với lãnh đạo hoặc ngoại trưởng các nước) trong vòng 60 phút, tôi sẽ thuyết phục được họ”, Kerry nói. Ảnh: Kremlin.
“Kerry giống như loại tên lửa bạn có thể châm ngòi nhưng không thể kiểm soát”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama cho biết. Mặc dù vậy, các quan chức Nhà Trắng thừa nhận ông đã thể hiện tốt hơn mong đợi. Nếu như tổng thống cần một người ngồi vào bàn đàm phán thì người đó chính là Kerry. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của ông, nội chiến ở Syria chưa thực sự chấm dứt, hòa bình cho Israel và Palestine vẫn chưa được thiết lập. Kerry đang dành những ngày cuối cùng trên cương vị ngoại trưởng Mỹ để bảo vệ phương án hai nhà nước và chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch xây các khu định cư của Israel sau cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc. Vị ngoại trưởng 73 tuổi vẫn cam kết nỗ lực đến cùng để ngăn đổ máu ở Syria, bạo lực ở Yemen và mang đến triển vọng cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Ảnh: Getty.
Chiến thắng của Donald Trump không phải là những gì mà Kerry mong đợi khi mà bà Clinton mới là người đảm bảo những thành tựu lớn nhất của ông còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng những người được ông Trump đề cử cho nội các sẽ góp phần duy trì một phần chính sách đã kéo dài hàng thập kỷ trong chính quyền mới. Ảnh: Getty.
Tác giả bài viết: Mai Anh
Nguồn tin: