Trong tỉnh

Huyện Yên Thành, Nghệ An: Người dân khốn khổ cầu cứu vì trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Vừa qua, Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được phản ánh của 13 hộ dân xóm Tân Yên A, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An liên quan đến việc trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn nhưng không đảm bảo vệ sinh, môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Điều đáng nói, mặc dù tình trạng này đã diễn ra 10 năm nay, tuy nhiên vẫn chưa được xử lý triệt để, thậm chí ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Giữa khu dân cư xóm Tân Yên A, thuộc xã Tiến Thành, huyện yên thành, một trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô lớn đang gây ô nhiễm… Nước thải từ trang trại chưa được xử lý đang có dấu hiệu xả trực tiếp ra môi trường. Cụ thể, theo các hộ dân tại đây phản ánh, trang trại gây ô nhiễm này thuộc hộ gia đình ông Lê Văn Hưng tại xóm Tân Yên A, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, được xây từ cách đây hơn 10 năm, chủ yếu chăn nuôi các loại gia súc gia cầm như lợn, gà, vịt, hiện tại ông Hưng đang tiếp tục cho xây thêm để mở rộng quy mô, số lượng.

Cũng theo phản ánh của người dân, trang trại chăn nuôi của ông Lê Văn Hưng đã khiến cho cuộc sống của người dân sống xung quanh bị xáo trộn, mùi hôi thối lan ra từ trại lợn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra bệnh tật, đất vườn trong gia đình cũng không canh tác được do bị ảnh hưởng từ việc ô nhiễm, có rất nhiều ruồi muỗi. Không chỉ ô nhiễm không khí, chất thải từ trang trại còn khiến nước sinh hoạt của những hộ dân xung quanh nhiễm mùi hôi thối, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm không sử dụng được, giếng nước gia đình cũng bị nhiễm bẩn.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyên Thị Tố Oanh, thuộc Công ty luật Pháp lý và Cộng sự cho biết: “Điều 59 Luật Chăn nuôi năm 2018 về xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại quy định: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng”.

Luật sư Oanh cũng cho biết thêm, theo Điều 60 quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ yêu cầu chủ chăn nuôi nông hộ phải có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông Lê Văn Hưng đã tồn tại 10 năm và gây ra ô nhiêm, nhưng khi được hỏi chính quyền địa phương về công tác quản lý và bảo vệ người dân thì câu trả lời được lãnh đạo UBND xa Tiến Thành đưa ra là trước đây đã cho kiểm tra và xử phạt hành chính hộ gia đình ông lê Văn Hưng vì hành vi gây ô nhiễm. Và vừa rồi sau khi người dân phản ánh, chính quyền xã tiếp tục kiểm tra lần hai.

Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu được tiếp cận quyết định xử phạt thì vị lãnh đạo này không cung cấp và lấy lý do quyết định đang được cán bộ chuyên môn giữ, và sẽ cung cấp sau. Không hiểu vì lý do gì, suốt 10 năm qua, chủ trang trại chăn nuôi này vân bất chấp quy định pháp luật, trong khi chính quyền địa phương không thể xử lý quyết liệt để bảo vệ người dân.

Đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xác minh, để xử lý triệt để những sai phạm của hộ gia đình ông Lê Văn Hưng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Tác giả: PV

Nguồn tin: lsvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP