Đây là một trong những vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vừa được trình để xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, trong phiên làm việc sáng nay 5/4.
Tránh tình trạng sở hữu chéo
Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu quy định về thành lập doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX tại Điều 81 và góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp tại Điều 82.
Theo đó, quy định HTX, liên hiệp HTX được thành lập doanh nghiệp theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Trường hợp HTX, liên hiệp HTX góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp và trở thành thành viên hoặc cổ đông có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối của doanh nghiệp thì HTX, liên hiệp HTX phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ, tương tự như đối với HTX, liên hiệp HTX thành lập doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX.
Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. HTX, liên hiệp HTX thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc với tư cách là thành viên, cổ đông của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 5/4 |
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng bổ sung quy định về việc doanh nghiệp được thành lập không được trở thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của HTX, liên hiệp HTX
HTX, liên hiệp HTX không được góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp đang là thành viên chính thức hoặc thành viên liên kết góp vốn của HTX, liên hiệp HTX
Doanh nghiệp được HTX, liên hiệp HTX góp vốn, mua cổ phần không được trở thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của HTX, liên hiệp HTX đó.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, việc bổ sung quy định trên nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp.
Về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu và chỉnh lý quy định tại Điều 78 theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ HTX, liên hiệp HTX và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với HTX và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với HTX và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX.
Trường hợp HTX, liên hiệp HTX, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của HTX, liên hiệp HTX thì có thể xin ra khỏi HTX, liên hiệp HTX và chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ.
Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của HTX, liên hiệp HTX. Quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động HTX, liên hiệp HTX của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số HTX, liên hiệp HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Cho vay nội bộ không phải hoạt động ngân hàng
Về hoạt động tín dụng nội bộ, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp cùng các cơ quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu rà soát, chỉnh lý tại Điều 83, trong đó thay đổi thuật ngữ “hoạt động tín dụng nội bộ” thành “hoạt động cho vay nội bộ” và khẳng định hoạt động này không phải hoạt động ngân hàng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng.
Đồng thời bổ sung quy định về điều kiện của HTX, liên hiệp HTX được thực hiện hoạt động cho vay nội bộ, trong đó có điều kiện HTX, liên hiệp HTX cho vay nội bộ khi bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ.
Dự thảo luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thực hiện hoạt động cho vay nội bộ, mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất cho vay nội bộ và điều kiện thực hiện hoạt động cho vay nội bộ.
Liên quan nội dung trên, quy định chuyển tiếp được thể hiện: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, HTX, liên hiệp HTX phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn hợp đồng”.
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến khai mạc vào 20/5/2023)./.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: vov.vn