Vào 1/7, người dân Hong Kong kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc sau 156 năm nằm dưới sự cai trị của Anh, nhưng Lau Mei-tin, một người bán rau ở chợ, không có tâm trạng ăn mừng, Reuters đưa tin.
Cuộc sống ở trung tâm tài chính Hong Kong ngày càng đắt đỏ, buộc những người như cô Lau phải lao động cật lực để kiếm sống qua ngày.
"Bạn phải làm việc cho tới chết. Nếu không làm việc và làm việc, bạn sẽ không đủ tiền để trang trải những chi phí sinh hoạt hàng ngày", bà Lau than thở.
"Cuộc sống hiện tại ở Hong Kong thật tệ hại".
Theo số liệu thống kê, mức độ bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội Hong Kong đã đạt đến đỉnh điểm trong vòng hơn 40 năm qua. Năm ngoái, với dân số 7,3 triệu người, Hong Kong có hơn 4.000 người siêu giàu sở hữu khối tài sản ròng tối thiểu 30 triệu USD, chỉ xếp sau New York và London, theo hãng tư vấn bất động sản Knight Frank.
Theo một báo cáo của Oxfam, bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, thu nhập của 10% hộ gia đình giàu nhất ở Hong Kong gấp hơn 44 lần so với 10% những gia đình dưới đáy xã hội.
Lương không tăng, chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng, cộng với giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, 1/7 dân số Hong Kong đang sống trong cảnh "giật gấu vá vai", thậm chí rơi vào khủng hoảng.
Hong Kong vốn được biết đến như một trung tâm tài chính của thế giới, với cuộc sống xa xỉ trong những tòa nhà chọc trời. Nhưng không phải ai cũng biết Hong Kong cũng bị đánh giá là một trong những nền kinh tế bất bình đẳng nhất thế giới.
Cô Lau nhìn vào tờ lịch treo trên tường với vẻ bồn chồn lo lắng. Một tuần nữa cô mới có lương, đồng nghĩa cả gia đình 4 người đang sống trong căn hộ chật hẹp ở Hong Kong sẽ không đủ ăn.
Cuộc sống ở Hong Kong đang khốn khó hơn bao giờ hết, trừ khi bạn là một tỷ phú, theo Bloomberg.
"Chúng tôi sẽ phải ăn ba bữa cháo vì nhà không còn tiền", người phụ nữ 42 tuổi nói. Lau là trụ cột trong gia đình, một mình cô nuôi con gái 7 tuổi, con trai 15 tuổi và người chồng mất sức lao động.
Mỗi tiếng làm việc, cô Lau chỉ kiếm được 5,4 USD.
"Hong Kong là một trường hợp điển hình nhất về tình trạng chênh lệch giàu nghèo lên đến cùng cực và gần như không có cách nào để cải thiện tình trạng này", Richard Florida, tác giả cuốn "Cuộc khủng hoảng mới ở thành thị", nhận xét.
Khủng hoảng nhà ở
Chênh lệch giàu nghèo ở Hong Kong thể hiện rõ nhất ở vấn đề nhà ở. Trong vòng 14 năm qua, giá nhà ở Hong Kong đã tăng gần 400%. Theo số liệu của Demographia, khi so sánh giữa thu nhập và giá trung bình trên thị trường bất động sản, giá nhà Hong Kong đắt đỏ hơn nhiều so với các thành phố như Sydney, London và San Francisco.
Người nghèo Hong Kong sống trong những "căn hộ quan tài" hay "nhà lồng" với diện tích vỏn vẹn vài mét vuông. Một căn hộ siêu nhỏ có diện tích 12 m2 có giá lên tới hơn 400.000 USD.
Trong khi đó, hầu hết các tỷ phú giàu nhất Hong Kong lại tích lũy của cải nhờ kinh doanh bất động sản. Lợi nhuận của tập đoàn bất động sản Cheung Kong Property thuộc sở hữu của tài phiệt Li Ka-shing đạt 2,3 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, công ty Henderson Land Development của tỷ phú Lee Shau Kee, người giàu thứ hai ở Hong Kong, ghi nhận lợi nhuận 1,8 tỷ USD.
Tổng tài sản mà 10 người giàu nhất Hong Kong đang nắm giữ tương đương với 47% GDP của đặc khu hành chính này, theo Bloomberg Billionaires Index.
Cô Lau cho biết 7 năm qua, cô chưa có một ngày nghỉ ngơi vậy mà vẫn không dành dụm được gì."Tôi chỉ hy vọng con cái tôi được học hành tử tế và không lặp lại cuộc sống của mình. Còn tôi, chẳng thấy hy vọng nào ở tương lai cả".
Tác giả bài viết: An Hồng
Nguồn tin: