Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Quang cảnh hội nghị |
Toàn tỉnh, đã xây dựng, sửa chữa 1.200 nhà
Để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỉ lệ nghèo đa chiều theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm bợ, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh, ngày 10/2/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đang xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách cần thực hiện từ nay đến hết năm 2025.
Theo đó, tỉnh Nghệ An phấn đấu kêu gọi, vận động hỗ trợ xây mới 9.200 nhà và sửa chữa 6.500 nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 3 năm, 2023-2025 (số liệu điều tra ban đầu của UBND tỉnh). Dự kiến năm 2023 hỗ trợ 5.500 nhà (xây mới 5.000 nhà, sửa chữa 500 nhà); năm 2024 hỗ trợ 5.000 nhà (xây mới 3.500 nhà, sửa chữa 1.500 nhà); năm 2025 hỗ trợ 5.200 (xây mới 700 nhà, sửa chữa 4.500 nhà).
Theo thống kê, tính đến ngày 12/4/2023, tổng đăng ký toàn tỉnh là 10.782 căn nhà, tương đương 551.093 triệu đồng. Về kết quả xây dựng nhà ở trong 2 tháng qua, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 1.200 nhà (gồm xây mới 1.194 nhà, sửa chữa 06 nhà), cụ thể: Số nhà do Công an tỉnh chủ trì thực hiện là 1.100 căn nhà tại 3 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Trong đó: Nguồn do Công an tỉnh vận động: Đã xây dựng 855/1.000 căn nhà (đã bàn giao 613 căn nhà và đang lắp ghép 242 căn nhà); nguồn do Bộ Công an vận động, hỗ trợ xây dựng tại 27 xã biên giới đã xây dựng 245/1.420 căn nhà (đã bàn giao 130 căn nhà và đang lắp ghép 115 căn nhà). Số nhà cấp huyện, xã thực hiện đã xây dựng 94 nhà, sửa chữa 06 nhà.
Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh quán triệt các văn bản chỉ đạo |
Tại hội nghị, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã quán triệt một số nội dung cơ bản của Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 10/4/2023 của Ban Chỉ đạo tỉnh về triển khai Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025.
Tại Chỉ thị số 21-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là “chiến dịch cải thiện nhà ở” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023-2025; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, bảo đảm đúng tiến độ. Triển khai thực hiện hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai dân chủ, công bằng và minh bạch; đảm bảo chất lượng, hiệu quả và không để xẩy ra khiếu kiện; nhà ở hỗ trợ cho người dân phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ nhà ở phải đúng mục đích và cam kết với nhà tài trợ, đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục và không để xẩy ra thất thoát, lãng phí. Thường xuyên đôn đốc, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện…
Về phương thức tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo các cấp tỉnh, huyện, xã do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND cùng cấp làm phó trưởng ban thường trực; thành lập Tổ công tác ở khối, xóm, bản do đồng chí Bí thư Chi bộ làm Tổ trưởng. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tích cực kêu gọi, vận động nguồn lực để ủng hộ, triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở theo số lượng đã đăng ký với Ban Chỉ đạo tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, phân kỳ cụ thể từng năm.
Nguyên tắc vận động, ủng hộ: Thống nhất một đầu mối vận động, hỗ trợ là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và nguồn kinh phí tiếp nhận, phân bổ qua Quỹ “vì người nghèo” các cấp. Ưu tiên nguồn lực vận động được ở cơ sở phục vụ cho việc thực hiện Chương trình ngay tại địa phương.
Trên cơ sở kết quả rà soát nhu cầu các đối tượng cần hỗ trợ và nguồn kinh phí vận động được, Ban Chỉ đạo cấp trên quyết định phân bổ nguồn hỗ trợ cho các địa phương để triển khai thực hiện việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng trên địa bàn. Các địa phương huy động tổng hợp các nguồn lực (ngày công, vật tư,…) để triển khai thực hiện việc hỗ trợ, xây dựng nhà ở cho các đối tượng đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Đức Hải báo cáo kết quả vận động xây dựng nhà ở của Công an tỉnh |
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh và các địa phương đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn.
Vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm thực hiện giai đoạn 2023 -2025. Bên cạnh việc phát triển kinh tế thì cần phải quan tâm đến công tác an sinh xã hội.
Hiện toàn tỉnh còn trên 108.919 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có 15.300 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở là việc làm thường xuyên, liên tục nhiều năm qua. Giai đoạn 2020 - 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận tổng kinh phí hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác gần 173 tỷ đồng, sửa chữa và xây mới gần 4.500 nhà. Như vậy, trung bình mỗi năm tỉnh ta làm mới và sửa chữa được khoảng gần 1.500 nhà. Nếu tiến độ như những năm qua, trong 10 năm nữa mới giải quyết được số hộ đang gặp khó khăn về nhà ở hiện tại, chưa kể số lượng phát sinh mới.
Bên cạnh đó, việc giải quyết nhà ở cho người nghèo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tinh thần tương thân tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, giúp người nghèo an cư lạc nghiệp; góp phần thực hiện thành công chính sách giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong quá trình thực hiện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Chương trình hướng đến mục tiêu cốt lõi là phục vụ nhân dân, vì cuộc sống nhân dân tốt đẹp hơn, do vậy tuyệt đối không chạy theo thành tích; làm nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng; không tạo thêm gánh nặng cho dân khi triển khai xây dựng nhà.
Tuyệt đối tránh nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các hộ gia đình được thụ hưởng chương trình; tuyệt đối không để trục lợi, tư lợi cá nhân, làm thất thoát. Tuyệt đối không áp đặt trong việc triển khai mô hình nhà để phù hợp với không gian, phong tục, tập quán, nguyện vọng của nhân dân. Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện, trở thành ngày hội làm nhà cho người nghèo trên địa bàn. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ phận, lực lượng tham gia thực hiện chương trình. Sau hội nghị, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ bắt đầu kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện chương trình.
Tác giả: Phương Thúy
Nguồn tin: nghean.gov.vn