Trong tỉnh

Hối hả tạo hào tránh sóng chống bão số 7 trên biển Cửa Lò

Trước giờ cơn bão số 7 đổ bộ vào đất liền, bà con thị xã Cửa Lò, Nghệ An đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.

Hai người đàn ông ở Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, Nghệ An chuyển bao cát lên mái nhà chống bão số 7 - Ảnh: DOÃN HÒA

Chiều 13-10, dọc bãi biển Bình Minh, thị xã Cửa Lò, Nghệ An, người dân đang khẩn trương dọn dẹp hàng quán, chằng chéo nhà cửa trước khi cơn bão số 7 được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền vào chiều 14-10.
Được dự báo là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 7, nên khi nghe tin có bão, người dân đưa các tài sản có giá trị trong các kiốt ăn uống về nhà. Bàn ghế được thu dọn vào trong.

Gần cuối mùa du lịch, khách đến Cửa Lò cũng khá vắng. Nhiều thanh niên, đàn ông vừa gia cố lại cửa vừa đóng các bao tải cát để đưa lên chặn mái tôn, phòng gió lốc cuốn. Lực lượng bộ đội, Đoàn thanh niên tích cực hỗ trợ người dân chằng chéo nhà cửa. Ở đảo Lan Châu, bà con ngư dân đã đưa toàn bộ thuyền thúng đánh bắt mực lên bờ.

Khu du lịch trước giờ bão số 7 đổ bộ vào đất liền - Ảnh: DOÃN HÒA

Vừa tháo lớp dây điện trang trí trước kiốt, anh Trần Văn Ngọc - chủ cửa hàng ăn uống gần bãi biển - cho biết: "Mùa du lịch năm nay ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách du lịch đến rất ít, lại thêm mấy đợt mưa bão liên tiếp, kinh doanh ế ẩm. Nghe dự báo bão sắp vào, lo gió lớn nên tôi phải đem mấy bao tải cát lên chống mái nhà".

Ông Võ Văn Hùng - phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò - cho biết để giảm các thiệt hại do cơn bão số 7 gây ra, đến nay chúng tôi đã kêu gọi hơn 200 tàu thuyền của ngư dân địa phương về các khu tránh trú bão an toàn; đồng thời cử lực lượng hỗ trợ bà con chống bão, cấm người dân tắm biển khi bão đổ bộ.

Các du khách lưu trú ở khách sạn cũng đã được thông báo hướng di chuyển của bão để chủ động ở lại khách sạn.

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online, đến 16h30 chiều 13-10, biển Cửa Lò bắt đầu có sóng lớn cấp 6, cấp 7. Dù bão số 7 chưa đổ bộ, một đoạn kè dọc bãi biển bị sóng đánh vỡ. Hàng chục cây bàng ở đây bị bật gốc, trôi ra biển.

Chiều 13-10, người dân thị xã Cửa Lò, Nghệ An hối hả chống bão số 7 - Ảnh: DOÃN HÒA

Lực lượng quân đội hỗ trợ người dân đóng bao cát để chằng chống nhà cửa - Ảnh: DOÃN HÒA

Hàng chục bao tải cát được chất đầy tạo thành hào tránh sóng biển đánh vào một cửa hàng ăn uống - Ảnh: DOÃN HÒA

Người dân neo nhà vào hàng cây - Ảnh: DOÃN HÒA

Tháo dây điện trang trí - Ảnh: DOÃN HÒA

Một thùng rác hình cá nằm ngổn ngang trên bãi biên Cửa Lò - Ảnh: DOÃN HÒA

Hàng chục cây bàng bật gốc, bị sóng biển đánh ra - Ảnh: DOÃN HÒA

Sóng mạnh đánh vỡ một đoạn kè ở bãi biển Bình Minh - Ảnh: DOÃN HÒA

Một người đàn ông tranh thủ lấy củi từ hàng cây bàng đổ - Ảnh: DOÃN HÒA

Cuối giờ chiều 13-7, tại Cửa Lò sóng biển đã mạnh hơn - Ảnh: DOÃN HÒA

Tàu thuyền về neo đậu tại cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, Nghệ An chiều 13-10 - Ảnh: DOÃN HÒA

Nghệ An cấm tàu thuyền ra khơi từ 15h chiều 13-10, Thanh Hoá cấm từ 19h

Các tàu thuyền và phương tiện vận tải Nghệ An cấm ra khơi từ 15h chiều 13-10. Tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 20h tối nay.

Đó là nội dung công điện khẩn về việc cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 7 do ông Nguyễn Đức Trung - chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, vừa ban hành chiều 13-10.

Công điện nêu bão số 7 có khả năng khoảng 10h ngày 14-10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ với sức gió mạnh cấp 7 - cấp 8, giật cấp 10.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh, trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.
Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 15h chiều 13-10. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 20h tối nay.

Theo báo cáo của các địa phương và các ngành trong tỉnh đến chiều 13-10, Nghệ An có 3.337/3.485 tàu cá với 16.945/17.473 lao động đánh bắt hải sản đã vào bờ và neo đậu tại các bến. Các tàu cá và ngư dân còn lại đã nhận được hướng đi của bão và vào các khu tránh trú bão an toàn.

Tại Hà Tĩnh, để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện đang hoạt động, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với các địa phương ven biển đã thông báo cho 3.957 tàu cá với 14.932 lao động về nơi tránh trú an toàn.

Tính tới chiều 13-10, tất cả các tàu thuyền cùng ngư dân đã vào bờ tránh trú bão an toàn. Trong thời gian này, có 33 tàu cá ngoại tỉnh Hà Tĩnh vào âu tránh trú bão tại cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà.

Tại Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngành chức năng thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão số 7 để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến cuối giờ chiều 13-10, toàn bộ 7.211 tàu, thuyền của tỉnh đã nắm được thông tin về bão số 7, duy trì liên lạc với đất liền.

Trong số tàu thuyền của tỉnh nêu trên có 7.000 phương tiện, với 25.378 lao động đã vào nơi tránh trú bão số 7 an toàn. Trong đó có 109 tàu, thuyền với 522 lao động đã vào các âu, bến tránh trú của tỉnh. Số tàu, thuyền còn đã và đang vào tránh trú bão số 7 tại các âu thuyền, bến cảng, cửa sông ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ninh và TP Hải Phòng.

DOÃN HÒA - HÀ ĐỒNG

Tác giả: DOÃN HÒA

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP