Giáo dục

Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học đi làm đang gia tăng ở Đắk Lắk

Học sinh người Dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, xa của tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Bông nói riêng đang có xu hướng bỏ học đi làm.

Đáng báo động

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk những năm gần đây, trẻ em là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bỏ học đi lao động tại các tỉnh, thành phía nam như: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai ngày càng tăng. Điều đáng buồn là chính cha mẹ các em vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chấp nhận cho con em mình đi làm khi chưa đủ tuổi thành niên.

Một trong những huyện có trẻ em bỏ học đi lao động tại các tỉnh thành phía nam tăng nhanh là huyện Krông Bông, Đắk Lắk.

Ông Trần Ngọc Hùng, Phó trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông cho biết: Thực trạng trẻ em nghỉ học đi làm việc ở các khu công nghiệp, hoặc phục vụ các nhà hàng, các hộ sản xuất kinh, doanh nhỏ tại các tỉnh thành phía nam đã diễn ra từ lâu nhưng rộ lên vào cuối năm 2014 đến nay.

Mặc dù ngành Lao động, thương binh và Xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, giải thích. Thậm chí xử lý những sai phạm về pháp luật trong tuyển dụng lao động trẻ em chưa đủ tuổi lao động nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn huyện có 135 em (từ 10-16 tuổi) bỏ học. Trong đó, 42 trẻ em nghỉ học đi lao động ở thành phố Hồ Chí Minh.

dscn2799 1036
Học sinh bỏ học đi làm sớm ở huyện Krông Bông đã dần dần quay lại lớp học

"Để giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em nghỉ học đi lao động sớm, theo ông Hùng bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho các gia đình về quyền trẻ em, còn cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, đặc biệt phải giải bài toán kinh tế cho các hộ gia đình khó khăn tại vùng sâu, vùng xa để họ yên tâm cho con em mình tiếp tục theo học, mà không bị dụ dỗ nghỉ học đi lao động sớm như thời gian vừa qua. Đây là vấn đề lớn phải có chính sách từ trung ương, từ tỉnh còn riêng huyện Krông Bông khó thực hiện triệt để bài toán này", ông Trần Ngọc Hùng chia sẻ.

Tìm hiểu thực tế tại các hộ dân cho thấy, đa số các em bỏ học đi lao động khi chưa đến tuổi lao động là những hộ nghèo, hộ có kinh tế gặp khó khăn.

Ông Lê Văn Hồng (dân tộc Mông), ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông cho biết: Đầu năm, được một người quen giới thiệu cho con đi làm để có tiền phụ giúp gia đình nêm ông đã cho 2 con là Lê Văn Cải 10 tuổi và Lê Văn Khương 15 tuổi đi thành phố Hồ Chí Minh làm nghề may cho hộ kinh doanh nhỏ. Trái với hứa hẹn việc làm nhẹ lương cao, chỉ sau 2 tháng, do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt nên các con ông nhiều lần gọi điện cầu cứu.

Ông Hồng phải vay tiền vào thành phố Hồ Chí Minh chuộc hai con về thoát khỏi động lạm dụng lao động trẻ em.

Cũng vì cảnh nghèo, ông Lê Văn Tỏa, ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông cho đứa con gái 13 tuổi nghỉ học đi làm xa, nhưng ông không biết con mình hiện giờ làm gì ở đâu, chỉ lâu lâu nghe con gọi điện về than vãn cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người. Ông Tỏa kể lại: “Nghe con gái nói làm việc khổ lắm, làm cả ngày không được nghỉ. Bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng đến 11h trưa nghỉ đến 12h làm việc cho đến 7h tối, tắm rửa, ăn cơm xong làm đến 12h đêm, không có thời gian nghỉ ngơi còn bị ép công nữa. Thương con nhưng không biết làm thế nào”.

dscn2800 1044
Lớp học tại điểm trường Buôn Ngô A,trường Tiểu học xã Hòa Phong Krông Bông,Đắk Lắk học sinh đã trở lại lớp

Về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông nhân định: Tuy nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ dành cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng vì cuộc sống khó khăn nhiều gia đình vẫn để con mình nghỉ học đi làm ở tuổi 11-12. Trong đó, Chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Khi chính quyền địa phương phát hiện, tổ chức đoàn đến vận động cha mẹ các em liên hệ với chủ sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động đưa các em về nhưng vì thu nhập vì đời sống nên họ không gọi các em về.

Một thực tế đáng lo ngại là nhiều gia đình đã thiếu hiểu biết nên khi đồng ý cho con em mình đi lao động đã ký vào những cam kết, nhưng họ không hề biết nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt cũng như công việc của con em mình như thế nào. Chỉ khi các con gọi điện về cầu cứu vì không thể chịu đựng được môi trường làm việc khắc nghiệt thì họ mới nhận ra, nhưng không thể đưa con về vì không có tiền chuộc do vi phạm hợp đồng. Vì vậy, nhiều gia đình đang sống trong thấp thỏm đưa con về không được để con lại không xong.

Giải pháp nào để hạn chế thực trạng trên (?)

Trước thực trạng này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có trẻ em Đắk Lắk làm việc đến tận nơi để nắm bắt tình hình ăn ở, làm việc để động viên các em, yêu cầu chủ sử dụng loa động phải tạo điều kiện tốt nhất để các em trở lại với gia đình, trở lại với trường học.

Tại địa phương chính quyền, các ban ngành đoàn thể liên quan như: trường học, Hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc, công an đã đến các gia đình tuyên truyền vận động, giải thích, thậm chí xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn không ngăn chặn được việc trẻ em bỏ học đi làm khi chưa đủ tuổi lao động bởi cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn.

dscn2803 1115
Lãnh đạo trường Buôn Ngô A, trường Tiểu học xã Hòa Phong,huyện Krông Bông đang trao đổi với phóng viên

Dự báo sau kỳ nghỉ hè này, số trẻ em trong độ tuổi đến trường sẽ bỏ học nhiều hơn để đi lao động kiếm kế sinh nhai, phụ giúp gia đình. Đây là vấn đề nan giải mà năm học nào ngành giáo dục Đắk Lắk cũng gặp phải nhưng chưa có phương pháp giải quyết hữu hiệu.
Tác giả: Ngọc Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP