"Lay ơn nở toe toét hết rồi, giờ bán chẳng ai mua. Lay ơn nhanh tàn hơn so với các loại hoa khác nên bây giờ đã hư hỏng hơn một nửa. Năm nay trồng hoa chán lắm" - chị Nguyễn Thị Nguyệt, một hộ dân trồng hoa ở xóm 1, xã Xuân Hòa thở dài.
Người dân Nam Đàn chưa kịp bán hoa đã bắt đầu tàn. Ảnh: Diệp Phương |
Năm nay gia đình chị Nguyệt trồng hơn 1 vạn cây hoa cúc và hoa lay ơn. Dù có kinh nghiệm trồng nhiều năm nhưng vẫn không thể "hãm" sự phát triển của loại hoa này do thời tiết gần Tết nắng ấm. “Năm nay thời tiết ấm hơn các năm nên gia đình tôi đã cố gắng cân bằng thời gian để hoa nở trúng dịp Tết vậy mà vẫn nở sớm".
Chung cảnh ngộ với hộ chị Nguyệt, 3.000 cây hoa cúc của nhà bà Hoàng Thị Sáu ở xóm 2, xã Xuân Hòa cũng nguy cơ mất giá. "Chưa năm nào hoa nở sớm như năm nay. Hiện hoa to đẹp, nhiều lộc cũng chỉ bán được 2.500 đồng/bông. Đã thế năm nay còn sâu bệnh nhiều, phải phun thuốc, bơm nước nhiều hơn, trừ chi phí sản xuất lãi chẳng ăn thua" - bà Sáu cho hay.
3.000 cây cúc của gia đình bà Sáu đã nở rộ từ đầu tháng 12 (âm lịch) phải bán với giá thấp trước Tết. Ảnh: Diệp Phương |
Theo bà Sáu, nhờ hoa cúc nở được lâu nên dù bung nở từ 3 tuần trước nhưng bà vẫn tranh thủ bán "chạy" được 500 cây dịp cúng ông Táo. Còn 2.500 cây bán vào dịp Tết thì chấp nhận giá bèo hơn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 4,5 ha diện tích trồng hoa. Tính tới thời điểm này, do thời tiết nắng ấm nên 1/3 diện tích đã nở rộ sớm hơn các năm trước 2 tuần, khiến nhiều nhà vườn lo lắng thất thu".
Tác giả: Diệp Phương
Nguồn tin: Báo Nghệ An