Bài 1: Những câu chuyện đau lòng nơi bản làng
Trong dịp nghỉ học trở về với gia đình, em V.Y.C, học sinh lớp 8 Trường Phổ thông Trung học cơ sở Dân tộc bán trú Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cùng đám bạn đi chơi, rồi bị "bắt" làm vợ. Quá ấm ức, buồn tủi, C đã ăn lá ngón tự vẫn, để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình. Không chỉ C mà nhiều bé gái đồng bào dân tộc Mông cũng bị "chồng bắt", đành dang dở chuyện học hành, chông chênh chặng đường phía trước.
Sau đám cưới, V.Y.C đã tìm đến cái chết. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Nước mắt người cha
Ngày mưa không thể lên nương rẫy lao động, ông V.B.D, ở xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An ngồi xem lại những hình ảnh của con gái út còn lưu trên điện thoại, nước mắt lăn dài trên gò má. Đã nhiều tháng trôi qua, từ ngày V.Y.C ăn lá ngón tự vẫn, ông D vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. Ông muốn qua câu chuyện gia đình mình để cảnh tỉnh về hủ tục “bắt vợ” đã và đang gây ra bao hệ lụy trong cộng đồng. "Mình phát hiện con gái bị “bắt” làm vợ mà không ngăn nổi, khiến nó phải tìm đến cái chết để giải thoát. Lỗi của mình lớn lắm" - ông D tự trách mình.
Nắm lấy chai rượu để sẵn trên bàn, rót vào chén uống ực một hơi, tay gạt nước mắt, ông kể về chuyện buồn của gia đình. Vợ chồng ông có 3 người con, 2 trai, 1 gái. Cũng như bao gia đình khác ở bản làng biên giới xa xôi, quanh năm ông bà bám vào nương rẫy nuôi các con khôn lớn. Nhưng 2 người con trai chưa học hết lớp 12, rồi ở nhà lấy vợ, mưu sinh. Ông hy vọng V.Y.C sẽ cố gắng học lên cao hơn để thoát khỏi nghèo khó. Khi cô bé học hết bậc tiểu học ở điểm trường bản, ông D dẫn con xuống núi về trung tâm xã ở nội trú học bậc trung học cơ sở. Từ đó, dù bận rộn đến đâu, sáng thứ 2, ông D đều dành thời gian chở con gái xuống trường, rồi cuối tuần lại đón con từ trường về nhà.
Thời gian trôi qua, Y.C đã là cô học trò lớp 8 rất xinh đẹp và chăm ngoan. "Thấy con gái đi học lớn khôn, xinh đẹp mình cũng vui nhưng lo một ngày nào đó nó sẽ bị người ta "bắt" về làm vợ. Mình luôn dặn con không được nghe theo bạn đi chơi ở các bản khác" - ông D nói. Thế nhưng bất hạnh ập đến với gia đình ông trong dịp con gái ông được nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Y.C xin bố mẹ đi cùng nhóm bạn qua bản khác chơi. Tại đây, em bị bạn dụ dỗ uống rượu, trong khi say, Y.C bị một bạn trai “bắt” về nhà làm lễ "cúng ma". Khi tỉnh lại, cô học trò lớp 8 hốt hoảng phát hiện mình đã "làm vợ", làm con dâu của nhà người khác. Y.C gọi điện thoại cho bố cầu cứu nhưng bất thành.
Nhắc lại chuyện buồn, ông D chia sẻ thêm: "Phong tục của đồng bào dân tộc Mông còn nặng nề lắm, phụ nữ chưa chồng đã bước vào cửa, được làm lễ "cúng ma" thì xem như là vợ, con dâu của nhà người ta rồi. Khi biết con gái bị "bắt", qua điện thoại, tôi yêu cầu gia đình "thông gia" để con gái trở về nhưng không được chấp nhận. Tôi biết dù họ có đồng ý, con bé cũng không dám phá bỏ "lời nguyền" để về nhà".
Theo phong tục, 3 ngày sau, cô học trò Y.C được "chồng" dẫn về nhà lại mặt bố mẹ đẻ. Biết con gái chưa muốn lấy chồng, trước ngày Y.C trở về nhà, ông D dặn mọi người phải động viên, đề phòng con bé nghĩ dại, làm liều. Thế nhưng, chỉ phút sơ sẩy, Y.C đã trốn được ra ngoài chạy lên đồi ăn lá ngón tự vẫn, dù được đưa đi cấp cứu nhưng C đã không thể qua khỏi.
Ông V.B.D đau buồn khi xem lại hình ảnh con gái mình. Ảnh: Viết Lam |
Cái chết của Y.C chưa kịp lắng xuống, tháng 5-2021, người dân vùng cao tỉnh Nghệ An lại bàng hoàng khi nghe tin em L.Y.X học sinh lớp 12C, Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn uống thuốc diệt cỏ tự vẫn. Nguyên nhân khiến cô học trò tìm đến cái chết được xác định do mâu thuẫn "vợ chồng"...
Góa phụ ở tuổi 15
Tuổi 19, V.Y.X, dân tộc Mông, ở một bản vùng cao thuộc xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An theo chồng về vùng đất mới lập nghiệp. Cô có một đám cưới tuy giản đơn nhưng đong đầy niềm vui, hạnh phúc. Hôn nhân của vợ chồng họ được pháp luật công nhận, người thân chúc phúc. Vậy là sau nhiều năm mang tiếng góa phụ, cô gái người Mông đã tìm được một gia đình đúng nghĩa.
Qua câu chuyện với người thân được biết, từ nhỏ Y.X đã xinh đẹp, nhanh nhẹn. Em ước mơ được đi học, trưởng thành tìm kiếm việc làm ổn định thoát được cảnh hằng ngày lên nương rẫy "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Cũng như các bạn cùng trang lứa, hết tiểu học, em rời bản vùng cao xuống trung tâm xã học bậc trung học cơ sở. Càng lớn, cô học trò người dân tộc Mông càng xinh đẹp, dịu dàng.
Nhắc về Y.X, một giáo viên ở Trường Trung học cơ sở dân tộc bán trú Mai Sơn chia sẻ rằng, từ năm học lớp 8, Y.X đã được nhiều bạn trai cùng trường để ý, thậm chí còn có nhóm thanh niên ở một số bản đến ký túc xá nhà trường tìm cách bắt em về làm vợ. Đã nhiều đêm, thầy, cô giáo trong trường phải gọi báo Công an xã, BĐBP mới bảo vệ được học trò. Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán năm 2017, không thấy Y.X trở lại trường, giáo viên chủ nhiệm tìm đường lên bản thì được gia đình cho biết đã cho con gái theo chồng. Chồng của nữ sinh lớp 8 này cũng chưa đủ 18 tuổi, họ về sống với nhau mà không được pháp luật cho phép.
Sự bất hạnh của Y.X cũng bắt đầu từ đây, sau "đám cưới" chưa được bao lâu, "chồng" cô đã yêu thêm một cô gái khác và có thai. Sự việc vỡ lở, người con trai chưa đầy 18 tuổi đã về thuyết phục bố mẹ mình cưới thêm vợ hai. Tuy nhiên, gia đình đã không chấp thuận, cuối cùng "chồng" của Y.X cùng người phụ nữ kia đã tìm đến lá ngón tự vẫn.
Mới 15 tuổi, cô bé học trò lớp 8 mang tiếng có một đời chồng và trở thành góa phụ. Nhưng bi kịch chưa dừng lại với Y.X, sau khi chồng tự vẫn, gia đình chồng muốn cô phải kết hôn với người em trai của chồng. Cô gái trẻ không chấp nhận, đòi ăn lá ngón tự vẫn, gia đình nhà chồng sợ hãi, phải để Y.X trở về nhà bố mẹ đẻ. Sau 4 năm mang danh phận góa phụ, cô mới tìm được hạnh phúc mới.
Trong câu chuyện về nạn tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Mông, ông Và Bá Mại, Trưởng bản Piêng Cọoc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương nói rằng: "Bản chúng tôi có 12 cặp "vợ chồng" chưa thể đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Nhiều cháu gái mới 16-17 tuổi nhưng đã sinh 2 con, cũng có cặp đã bỏ nhau rồi". |
Tác giả: Viết Lam
Nguồn tin: bienphong.com.vn