Kinh tế

Hậu râm ran tin nóng, cổ phiếu nhà đại gia Trịnh Văn Quyết tăng "bung nóc"

Trong phiên giao dịch thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại bán ròng, hàng loạt cổ phiếu "họ" FLC lại dư mua trần, trắng bên bán.

Cho đến trước đợt giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) thì nhìn chung phiên khởi đầu tháng 12 tương đối mệt mỏi với số đông nhà đầu tư.

Thị trường đi ngang với những nhịp lên xuống nặng nề. Một số thời điểm chỉ số giảm khá sâu, tuy nhiên, lực cầu tại vùng 1.470 điểm vẫn mạnh và hỗ trợ đáng kể cho VN-Index. Một số người không chịu nổi sức ép nên đã quyết định bán cổ phiếu ở vùng thấp do lo sợ "thủng" hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay những phút cuối, thị trường đảo chiều ngoạn mục.

VN30-Index đóng cửa tăng tới 12,22 điểm tương ứng 0,8% lên 1.549,81 điểm. Nhờ đó, đà hồi phục lan tỏa, giúp VN-Index tăng 6,75 điểm tương ứng 0,46% lên 1.485,19 điểm.

Trong khi đó, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 2,25 điểm tương ứng 0,49% còn 455,81 điểm. UPCoM-Index tăng 0,48 điểm tương ứng 0,42% lên 114,58 điểm.

Nhìn vào đồ thị của VN-Index và VN30-Index cũng có thể thấy mức độ giằng co căng thẳng trên sàn HSX hôm nay (Ảnh chụp màn hình).

Độ rộng thị trường tương đối cân bằng giữa bên tăng và bên giảm. Theo thống kê, 3 sàn hôm nay có 525 mã giảm giá, 13 mã giảm sàn so với 532 mã tăng, 68 mã tăng trần.

Bên cạnh NVL tăng 3,6% và VIC tăng 1% thì sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay cũng có công lớn để kéo VN-Index. Trong số 30 mã thuộc VN30 thì có 19 mã tăng. TPB tăng trần lên 48.250 đồng, HDB tăng 4,9%; STB tăng 3,5%; MBB tăng 1,7%; CTG tăng 1,3%; TCB tăng 1,2%.

Có thể thấy, lực cầu với cổ phiếu ngân hàng vẫn đang là "nút thắt", ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý nhà đầu tư và triển vọng của thị trường. Với những phiên như phiên hôm nay, khi có sự đồng thuận của dòng ngân hàng, chỉ số đã bật khá tốt vào cuối phiên. Nguyên nhân là tỉ trọng của cổ phiếu ngân hàng trong VN30 rất lớn.

Bên cạnh đó, với bối cảnh chỉ số giằng co đi ngang trong gần như suốt phiên giao dịch, dòng tiền tìm cơ hội sinh lời tại những cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình. Đây cũng là xu hướng thường gặp.

Cụ thể, VNMID-Index tăng 9,9 điểm tương ứng 0,48%; VNSML-Index tăng 5,56 điểm tương ứng 0,27%. Nhiều mã cổ phiếu nhỏ dường như "miễn nhiễm" với áp lực bán trên thị trường chung cũng như không bị ảnh hưởng bởi nỗi lo ngại chủng mới Covid-19. CVT, DAH, SHA, BCG, HTN, TCD, EVG, QCG tăng kịch trần và trắng bên bán. Cổ phiếu dòng phân bón giữ đà tăng mạnh. DCM tăng 5,9%, DPM tăng 3,6%

Cùng với đó, cổ phiếu "họ" FLC hôm nay cũng "bung nóc", đua tăng trần ồ ạt. Hàng loạt mã dư mua trần, trắng bên bán như AMD, HAI, ROS, KLF. Trong đó, AMD khớp 7,4 triệu cổ phiếu; HAI khớp 10,2 triệu cổ phiếu; ROS khớp 40,3 triệu cổ phiếu và dư mua giá trần gần 13 triệu đơn vị; KLF cũng khớp 13,3 triệu đơn vị.

Dòng cổ phiếu nhà đại gia Trịnh Văn Quyết tăng mạnh bất chấp thị trường rung lắc (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh yếu tố hỗ trợ của dòng tiền đầu cơ thì cổ phiếu "họ" FLC có biến động tích cực sau khi có thông tin xuất hiện trên thị trường về việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC hé lộ ý định mua lại một đội bóng tại giải bóng đá hàng đầu thế giới - Ngoại hạng Anh.

Động thái này được biết nằm trong kế hoạch nâng tầm Bamboo Airways trở thành thương hiệu quốc tế, toàn cầu. Mục tiêu cụ thể là sở hữu đa số cổ phần của một câu lạc bộ bóng đá tại giải Ngoại hạng Anh.

Trở lại với thị trường, trong phiên hôm nay, sự thận trọng dâng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến quyết định giải ngân của giới đầu tư.

Thanh khoản trên toàn thị trường giảm mạnh, chỉ còn khoảng 26.593 tỷ đồng giao dịch trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 876,7 triệu cổ phiếu. HNX có 126,7 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.193 tỷ đồng; UPCoM có 95,8 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.011 tỷ đồng.

Phiên hôm nay, khối nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục bán ròng, giá trị bán ròng trên toàn thị trường lên tới 1.120 tỷ đồng, tập trung tại các mã lớn như VHM, VIC, MSN. Ngược lại, khối nhà đầu tư này mua ròng CTG, DCM, STB.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP