Theo Financial Times, các nhà mốt trên thế giới, từ LVMH của Pháp, đến Prada của Italia và Richemont của Thụy Sỹ, đều ghi nhận tăng trưởng doanh số giảm tốc.
Người mua sắm ở châu Âu và Mỹ đang cắt giảm các khoản chi tiêu xa xỉ, trong khi thị trường này ở Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp vì tỷ lệ thấp nghiệp cao ở người trẻ và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Theo công ty tư vấn Bain, khi thị trường lao động đã hạ nhiệt, tăng trưởng tiền lương chậm lại và “bóng ma” suy thoái ngày càng rõ nét, nhiều người mua sắm đã bắt đầu “chùn tay”. Chi tiêu cho các du thuyền, phi cơ, trang sức và các mặt hàng xa xỉ khác đã giảm xuống.
Một cửa hàng bán thời trang xa xỉ. (Ảnh: DAFC). |
Riêng tại thị trường Việt Nam, báo cáo phát hành hồi quý II của Kantar chỉ ra hơn 1/4 hộ gia đình vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Trong giai đoạn IV/2019 - II/2023, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu đã tăng từ 19% lên 28%.
Bước sang quý III, dù tín hiệu kinh tế đã ổn định hơn, nhưng tâm lý lo ngại về công việc và thu nhập vẫn tồn tại, người tiêu dùng vẫn cắt giảm chi tiêu để đầu tư vào những giá trị cốt lõi như hàng hóa thiết yếu và tập trung chăm sóc sức khỏe.
Xu hướng giảm chi tiêu, tập trung vào những sản phẩm tiêu dùng cốt lõi đã phản ánh lên kết quả kinh doanh của CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) - đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm xa xỉ.
Báo cáo mới đây của Duy Anh cho thấy nửa đầu năm, công ty này lỗ 7,4 tỷ đồng so với khoản lãi 130,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 22,87% cùng kỳ xuống âm 1,3%.
Cuối quý II, vốn chủ sở hữu của Duy Anh đạt hơn 570 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Nợ phải trả tại ngày 30/6 là hơn 800 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu hơn 17 tỷ đồng.
Duy Anh là đơn vị thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn điều hành.
Công ty phân phối hơn 60 nhãn hàng xa xỉ lớn trên thế giới, với 50 cửa hàng tại Việt Nam. Duy Anh hợp tác vớt loạt tên tuổi như Montblanc, Santoni, Aquazzura, Rolex, Cartier, Tiffany&Co…
Triển vọng trong dài hạn
Sụt giảm sức mua trên thị trường xa xỉ được kỳ vọng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi theo các báo cáo, số người giàu tại Việt Nam vẫn đang tăng nhanh. Trong giai đoạn 2017 - 2022, Knight Frank ghi nhận số người siêu giàu tại Việt Nam tăng gấp đôi.
Cuối năm ngoái, số người có tài sản ròng trên 30 triệu USD đã lên đến 1.059. Dự báo năm 2027, con số này sẽ chạm mốc 1.300 người, tương ứng mức tăng 122% trong một thập niên.
Ngoài ra, số người có tài sản trên 1 triệu USD cũng được dự báo sẽ tăng 173% trong giai đoạn 2017 - 2027.
Những con số trên dự báo tiềm năng thị trường bán hàng xa xỉ tại Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa trong thời gian tới.
Dữ liệu từ Statista cho thấy ngành công nghiệp xa xỉ của Việt Nam được thiết lập để tăng trưởng đáng kể, với doanh thu dự kiến là hơn 957 triệu USD năm 2023 và tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 3,23% cho đến năm 2028.
Mới đây, trong danh sách 1.000 công ty nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022 do Tổng Cục Thuế công bố, có sự góp mặt của các đơn vị kinh doanh và phân phối các sản phẩm hàng hiệu như Christian Dior, Chanel, Louis Vuitton, Gucci,…
Tác giả: Đức Huy
Nguồn tin: doanhnhanvn.vn