Tai nạn lao động gây đứt lìa chi thể
Bệnh nhân H.V.T., 33 tuổi, ở Thanh Chương – Nghệ An được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện CTCH Nghệ An trong tình trạng: Vết thương đứt gần lìa bàn chân phải lộ gân xương, còn cuống da ngang bờ ngoài ngón V chân phải; Các ngón chân I II III IV V phải thâm tím, không còn hồi lưu máu.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân V. bị máy cắt cỏ cắt vào cẳng chân phải, gây đứt gần lìa cẳng chân phải. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện huyện sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện CTCH Nghệ An.
Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện xét nghiệm, hội chẩn chuyên khoa và tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối bàn chân đứt lìa cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công bởi kíp mổ của bác sĩ Phạm Xuân Bình và các cộng sự. 10 ngày sau phẫu thuật, bàn chân đứt gần lìa đã thực sự được “hồi sinh”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân T. sau phẫu thuật |
Một trường hợp khác là bệnh nhân Đ.T.N., 28 tuổi, ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Bệnh nhân bị máy cưa cắt vào bàn tay trái khi đang lao động. Sau tai nạn, vết thương bàn tay trái chảy nhiều máu.
Bệnh nhân N. vào viện trong tình trạng: Vết thương đứt lìa bàn tay trái, lộ gân xương. Bệnh nhân đã được phẫu thuật vi phẫu nối liền bàn tay đứt lìa bởi kíp mổ của bác sĩ CKI. Nguyễn Hữu Đức và các cộng sự. Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ và thành công tốt đẹp.
3 ngày sau phẫu thuật, các ngón tay, bàn tay hồng, ấm. Các ngón tay đã có thể cử động nhẹ. Bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa. Trong thời gian tới, bệnh nhân còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.
Phẫu thuật nối chi thể đứt lìa với tỉ lệ thành công cao
Trao đổi với bệnh nhân N., anh vui mừng chia sẻ: “Khi bị tai nạn, tôi rất hoảng loạn và nghĩ tay của mình sẽ trở nên tàn phế suốt đời. Nhưng thật may mắn khi tôi được chuyển đến Bệnh viện CTCH Nghệ An. Nhờ bàn tay vàng của các bác sĩ mà bàn tay của tôi đã được “cứu sống”. Xin cảm ơn các bác sĩ.”
Hình ảnh bàn tay đứt lìa của bệnh nhân N. trước & sau phẫu thuật |
Bác sĩ CKI. Nguyễn Hữu Đức – Trưởng kíp vi phẫu cho biết: “Vi phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa".
Tại Bệnh viện CTCH Nghệ An, với hệ thống phòng mổ quy chuẩn, trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng đầy đủ cho những ca mổ vô khuẩn và đòi hỏi kỹ thuật cao, cùng với đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm cho phép khâu nối chính xác được các mạch máu nhỏ và các bó sợi thần kinh. Do vậy, việc nối lại các chi thể bị đứt rời có tỷ lệ thành công rất cao.
Bác sĩ Đức khuyến cáo: “Khi gặp tai nạn gây đứt lìa chi thể, cần sơ cứu cầm máu ngay tại chỗ, đưa bệnh nhân và phần chi bị đứt đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu; sau đó nhanh chóng tiến hành vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện chuyên khoa để nối chi. Thời gian vàng để “cứu sống” phần chi thể bị đứt lìa cho bệnh nhân là trước 6 giờ đồng hồ. Nếu để lâu hơn các mô bắt đầu chết, khi đó việc nối liền khó thành công.”
Là bệnh viện chuyên khoa tuyến Tỉnh, Bệnh viện CTCH Nghệ An tiên phong thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối liền chi thể trên địa bàn tỉnh từ năm 2014. Từ đó đến nay, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho hàng trăm trường hợp bị đứt lìa chi thể, trả lại chức năng vận động cho bệnh nhân.
Các tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể do tai nạn thường gặp ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam, vì thế, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ và an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra./.
Tác giả: Đậu Huyền
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn