Hãng phim truyện Việt Nam đóng tại trụ sở rộng tới 5.500 m2 nằm bên Hồ Tây - vị trí "đất vàng" nhưng điều mà người ta cảm nhận được đó là một môi trường xập xệ với những dãy nhà ẩm mốc xuống cấp, chỉ còn vài phòng có thể sử dụng. Đạo cụ, một phần tư liệu, xe của đoàn phim, phòng truyền thống... tất cả đều "đóng băng" trong tình trạng hoang phế.
Đã nhiều năm, trước khi xảy ra công cuộc cổ phần hóa nhiều tranh cãi, ồn ào... Hãng phim đã tồn tại lay lắt như thế. Vậy nguyên nhân nào khiến Hãng phim và những nghệ sĩ ở đó rơi vào tình trạng trì trệ, xập xệ?.
Trải qua nhiều đời giám đốc, Hãng phim cứ quẩn quanh "ăn đong" trong tình trạng kinh phí nhà nước rót mỗi ngày một ít, các dự án phim truyền hình mà nghệ sĩ làm thêm bên ngoài lúc được lúc chăng, phim quay dở thì hết tiền, phát hành yếu kém. Ngoài những thiết bị được nhà nước cấp vốn cho thay thế lần gần nhất cách đây cả chục năm, Hãng phim gần như trắng tay.
"Không thể để địa chỉ số 4 Thụy Khuê bị xóa sổ", đó là tuyên bố, là kêu gọi khẩn thiết của nhiều nghệ sĩ về việc cần bảo vệ Hãng phim trước "giông tố" cổ phần hóa. Địa chỉ này từng có một quá khứ vàng son với hơn 400 bộ phim điện ảnh, với thời kỳ phủ sóng màn ảnh rộng từ bộ phim "Chung một dòng sông". Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, khi phải tự xoay kinh phí, phát hành..., Hãng phim đã bị tê liệt hoàn toàn.
Khi định giá, giá trị doanh nghiệp của Hãng là 20 tỷ đồng, giá trị thương hiệu bằng 0. Đó là cú sốc với nghệ sĩ. Tại sao một đơn vị có lịch sử vàng son thế lại giá trị thương hiệu bằng 0?
Thực tế, theo luật doanh nghiệp, giá trị thương hiệu ở đây không tính bằng phim mà chỉ những doanh nghiệp có lãi mới được tính giá trị thương hiệu. Hãng phim truyện Việt Nam chưa bao giờ có lãi nếu không muốn nói là thua lỗ chồng thua lỗ ròng rã 20 năm cộng khoản nợ tiền thuê đất 21 tỷ đồng.
Quang cảnh buổi làm việc về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam |
Không vướng vào bi kịch cổ phần hóa, Hãng phim vẫn đứng bên bờ vực thẳm với câu chuyện chẳng dễ gì tháo gỡ. Đông đảo nghệ sĩ nơi đây bật khóc vì quá trình cổ phần không được như mong muốn nhưng nếu cứ tồn tại lay lắt thế, họ vẫn phải rơi nước mắt, ở một câu chuyện khác, góc độ khác.
Hơn 60 năm tồn tại, thành tựu khiến nhiều người tự hào khi nhắc đến Hãng phim truyện Việt Nam là các tác phẩm kinh điển: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê… Nhưng còn chặng đường sau đó, Hãng đã làm được gì hay chỉ "sống mòn" với tàn dư dĩ vãng?.
Nghệ sĩ là đối tượng nhạy cảm, dễ nhìn trước được đổi thay, nguy cơ, sụp đổ... nhưng nếu gánh nặng đặt hoàn toàn trên vai họ, họ có đủ sức gánh vác không? Công việc của một nghệ sĩ ở Hãng phim lâu nay được mặc định là đóng phim, làm phim... thay vì xoay xở kinh phí, phát hành... Song, thực tế phát triển điện ảnh bây giờ đã đặt ra yêu cầu khác hẳn.
Một bộ phim, kể cả được đơn vị khác đầu tư từ A-Z thì nghệ sĩ vẫn phải vận hành trong cỗ máy ấy với đủ mọi tính toán, kết hợp sao cho phim ra thị trường có khán giả. Không khán giả là "chết"!
Cổ phần hóa những đơn vị như Hãng phim truyện Việt Nam là tất yếu, lẽ ra phải làm từ lâu rồi. Thị trường, chỉ có sự sòng phẳng của kinh tế, giá trị hoài niệm quá khứ lại rất... mông lung, chủ yếu về tinh thần!
Thực trạng cơ sở xuống cấp của Hãng phim |
Trong cuộc đối thoại với các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch VIVASO, cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam phát biểu: "Nhiều nghệ sĩ cứ ngộ nhận nhưng thực chất không làm gì cả. Các anh chị gọi đây là đền đài nhưng hãng rất bẩn và không ai dọn".
Chủ tịch VIVASO tuyên bố: "Công ty mà có 4 người như anh Thanh Vân thì phá sản, phim làm không ai xem". Đáp trả lời của chủ tịch VIVASO, NSND Thanh Vân cho biết Sống cùng lịch sử đã mang lại cho Hãng phim truyện Việt Nam 70 tỷ đồng và "nuôi sống Hãng cho đến khi các ông nhảy vào".
Về chuyện trả lương cho các nghệ sĩ, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho hay: "Tôi chưa bao giờ có ý định không trả lương và cũng không thiếu tiền để trả. Nhưng tôi sẽ không bao giờ trả lương cho người 3 năm không lên cơ quan hoặc tôi không biết là đang làm cái gì".
Sau cuộc đối thoại ấy, đôi bên vẫn không tìm được tiếng nói chung và cũng chưa ai biết câu chuyện cổ phần hóa ai đúng, ai sai, được giải quyết thế nào. Lịch sử, cống hiến của nghệ sĩ dù là trong quá khứ vẫn là "đền đài" cần được tôn trọng, bảo vệ.
Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, nghệ thuật đều có sứ mệnh riêng, phải tạo ra giá trị đích thực nhằm tác động đến khán giả, giúp nghệ sĩ sống chân chính, đàng hoàng bằng nghề nghiệp của mình.
Bao năm "sống mòn", không phương hướng, "đền đài" hiện hữu về mặt vật thể đã xuống cấp trầm trọng không thể phù hợp cho thực tại phát triển, càng không phải môi trường để giới nghệ sĩ cống hiến, sáng tạo nên giá trị nghệ thuật.
Chẳng riêng gì Hãng phim truyện Việt Nam, nhiều "đền đài" khác từng khủng hoảng với cuộc cổ phần hóa. Quá khứ vàng son, những giá trị lớp nghệ sĩ trước đây xây dựng là điều được nhắc đến đầu tiên và cuối cùng để bảo vệ mọi lý lẽ của người trong cuộc. Nhưng xét cho cùng, cách tôn trọng "đền đài" tốt nhất là từ trái tim, từ hành động thay vì giữ một cái vỏ vật chất đang ngày càng rêu phong, xuống cấp theo quy luật của thời gian.
Thế nên, "kết cục" hiện tại chưa hẳn đã là điều đáng phải đau lòng. Có khi lại tốt hơn.
Tác giả: T.Nam
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội