Năm học 2017 – 2018, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có gần 83.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500; trong đó chỉ tiêu vào các trường công lập là 56.840.
Như vậy, gần 30.000 học sinh sẽ phải học ở các khối ngoài công lâp.
Các khối này đã có chỉ tiêu dành cho số học sinh còn lại, như trường ngoài công lập là 12.660, trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000.
Số lượng được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443.
Trước đó một năm, chỉ tiêu thi vào lớp 10 các trường THPT công lập ở Hà Nội là 52.290; trong khi ở kì thi năm này có hơn 81.000 học sinh tham dự. Như vậy, chỉ trong vòng hai năm tại Hà Nội, số học sinh lớp 9 không được học công lập là gần 60.000 em.
Năm nay, mặc dù chỉ tiêu đã tăng gần 4.000 so với năm ngoái, nhưng nhìn một cách tổng thể, vẫn chỉ có khoảng 70% có cơ hội được học trong các trường THPT công lập. Điều này khiến “tỷ lệ chọi” vào lớp 10 các trường THPT công lập ở Hà Nội khá cao, thậm chí được đánh giá còn căng thẳng hơn cả kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Dự kiến, từ ngày 15-30/4/2017, Hà Nội sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào tất cả các trường.
Còn tại TP.HCM, theo số liệu vừa được Sở GD-ĐT thông báo, năm nay toàn thành phố có 81.000 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi, tăng khoảng 13.000 so với năm ngoái. Trong khi đó, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập là hơn 63.000 học sinh. Do đó, có gần 20.000 em học sinh không vào các trường công lập, sẽ phải tìm nơi học ở các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, dù số học sinh tăng cao, nhưng hạn mức tuyển vào lớp 10 công lập chỉ khoảng 76-77% trong tổng số dự thi. Mặt khác, theo định hướng phân luồng học sinh sau THCS của thành phố, bắt đầu từ năm học này, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập mỗi năm sẽ giảm 3%. Đến năm 2020, tỷ lệ học sinh theo học THPT công lập chỉ còn 70%. Năm nay, dù chỉ tiêu vào lớp 10 công lập đã tăng 1.000 nhưng chắc chắn học sinh lớp 9 sẽ gặp áp lực lớn nếu muốn có 1 suất công lập.
Ông Đạt cũng cho biết, chỗ học sau khi tốt nghiệp THCS ở TP.HCM là không thiếu. Ngoài chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, chỉ tiêu ở các TTGDTX là 12.000, chỉ tiêu các trường THPT ngoài công lập khoảng 21.000; còn ở các trường Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp con số này khoảng 40.000.
Như vậy, tổng chỉ tiêu ở các trường ngoài công lập nói chung hơn 70.000.
Số lượng này đảm bảo cho học sinh có nhiều chọn lựa. Đặc biệt, TP.HCM lại có chính sách những học sinh tốt nghiệp THCS có hộ khẩu thành phố theo học hệ Trung cấp chuyên nghiệp đều được miễn 100% học phí.
Áp lực đổ dồn lên nội thành
Năm ngoái, tại một số trường ở Hà Nội tỷ lệ chọi khá cao nếu tính cả 2 nguyện vọng như Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) 480 chỉ tiêu/4.000 lượt thí sinh đăng ký; THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) là 480 chỉ tiêu/ 2.387 lượt đăng ký; THPT Cầu Giấy 480 chỉ tiêu/2.107 lượt đăng ký; THPT Trương Định chỉ tiêu 600/2647 lượt đăng ký; THPT Thạch bàn 440 chỉ tiêu, tổng số học sinh đăng ký là 2880; THPT Nguyễn Văn Cừ 460 chỉ tiêu/2.700 lượt đăng ký; THPT Trần Nhân Tông 520 chỉ tiêu/2.630 lượt học sinh đăng ký;...
Các trường có số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhiều như THPT Trung Văn với 1.180 em trong khi chỉ tiêu là 400, tức là 3 em thì chỉ có 1 em vào. Hay như THPT Yên Hòa với 1.245 em trong khi chỉ tiêu là 480; THPT Trương Định với 1.394/600.
Trong khi đó, ở TP.HCM các trường THPT trong nội thành có điểm trúng tuyển khá cao, dẫn đến áp lực cho học sinh. Thậm chí, nhiều trường học sinh phải đạt 8 điểm/môm mới có cơ hội trúng tuyển. Năm 2016, điểm chuẩn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) là là 37.5 - 38.5 - 39,5. Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) 7,5 - 37,5 - 38,5 , THPT Nguyễn Thị Minh Khai là 39,5- 40,5 - 41,5, còn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền là 41,25- 42,25-43,25.
Ngược lại, hai trường có điểm chuẩn thấp nhất thành phố, mỗi môn 2,7 là đỗ là Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) và THPT Trung Lập (huyện Củ Chi). ở hai huyện điểm trúng tuyển chưa năm nào vượt quá 15.
Tương tự, tại Hà Nội mức điểm chuẩn vào các trường công lập trên địa bàn lại có sự chênh lệch khá lớn.
Thậm chí cùng là trường công lập song mức điểm đầu vào lại chênh nhau hơn 30 điểm. Cụ thể, Trường THPT Chu Văn An lấy cao nhất với 55,5 điểm. Tiếp theo đó là các trường THPT Phan Đình Phùng, Thăng Long, Việt Đức, Kim Liên, Yên Hòa có mức điểm đều trên 52. Trong khi đó, có những trường mức điểm thấp nhất là THPT Đại Cường và THPT Lưu Hoàng chỉ 22 điểm.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM số liệu 81.000 học sinh đăng ký dự thi lớp 10 năm nay là con số trên báo cáo của các quận huyện. Năm 2016 số liệu học sinh đăng ký dự thi là 68.000 nhưng chỉ hơn 63.000 thí sinh dự thi. Từ thực tế này, số liệu học sinh dự thi thấp hơn số liệu báo cáo từ 5.000 - 7.000 học sinh. Như vậy, số liệu dự thi năm nay chắc chắn sẽ thấp hơn con số 81.000 học sinh.
Tác giả bài viết: Thanh Hùng - Lê Huyền
Nguồn tin: