Kinh tế

Hà Tĩnh: Sẽ thu hồi dự án Tre Nguồn tại khu du lịch Thiên Cầm

Dự án khu du lịch Tre Nguồn resort và spa có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 1,7 ha trong Khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), tỉnh Hà Tĩnh, nhưng nhiều hạng mục đến nay không thực hiện đầu tư xây dựng…

Dự án khu du lịch Tre Nguồn resort và spa tại Hà Tĩnh.


UBND tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, chấn chỉnh và xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ kéo dài, không đủ năng lực triển khai.

NHIỀU DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ

Tại Kỳ họp thứ 17, đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã chất vấn nhiều nội dung liên quan về các dự án chậm tiến độ, không triển khai, trong đó có dự án Tre Nguồn. Bà Hà Thị Việt Ánh, đại biểu huyện Cẩm Xuyên, chất vấn về hướng xử lý dự án Tre Nguồn (khu du lịch Thiên Cầm, tại huyện Cẩm Xuyên).

Theo ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, dự án khu du lịch Tre Nguồn resort và spa có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 1,7 ha trong Khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên).

Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2011 và đã hoàn thành thủ tục đất đai, nhưng nhiều hạng mục đến nay không thực hiện đầu tư xây dựng. Các hạng mục đã làm và đưa vào khai thác thì không phát huy hiệu quả, ngày càng xuống cấp. Thời gian tới ngành sẽ tham mưu hoàn tất thủ tục để thu hồi dự án.

Công ty TNHH Tre Nguồn (trụ sở ở Hà Nội) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khu du lịch Tre Nguồn resort và spa tại Khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) với diện tích đất cho thuê là 1,7 ha, thời hạn đến năm 2060. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, với quy mô gồm: khối khách sạn 11 tầng, khu spa cao cấp 2 tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp 2 tầng, khối nhà hàng 1 tầng, sân thể thao ngoài trời, bể bơi và khu vực giải trí.

Chủ đầu tư cam kết đến cuối năm 2012 hoàn thành dự án để đưa vào sử dụng. Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thành sẽ là đòn bẩy kích cầu du lịch ở Thiên Cầm, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư chỉ mới thực hiện được khoảng 20% khối lượng của dự án. Dự án này mới chỉ xây được 07 khối nhà Bungalow (kiểu nhà diện tích nhỏ 01 tầng) cùng một số hạng mục phụ trợ như sân, đường nội bộ, hệ thống điện chiếu sáng. Các hạng mục đã xây dựng từng được chủ đầu tư đưa vào hoạt động và đón khách, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng rồi dừng lại.

Tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một số dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư ở Khu du lịch Xuân Thành không triển khai, làm chậm cơ hội thu hút đầu tư của huyện. Ông Phan Tấn Linh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, cho biết huyện đã nhiều lần đề nghị thu hồi nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Thông tin về những dự án chậm tiến độ tại huyện Nghi Xuân, ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, cho biết khu du lịch Xuân Thành có 63 dự án đang đầu tư. Trong các dự án đó, có dự án khôi phục bến Giang Đình và đầu tư xây dựng chợ Giang Đình của Công ty cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình và dự án quần thể khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Xuân Thành của Công ty cổ phần Hợp tác thương mại Toàn Cầu hiện không triển khai thực hiện vì bị vướng mắc một số quy định.

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ngành và huyện Nghi Xuân đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Hợp tác thương mại Toàn Cầu đang gặp khó khăn nên cơ quan chức năng đang hoàn tất thủ tục xử lý theo hướng thu hồi. Còn đối với dự án khôi phục bến Giang Đình và đầu tư xây dựng chợ Giang Đình thì các sở, ngành, địa phương yêu cầu Công ty Song Ngư Giang Đình thực hiện dự án theo hướng đưa dự án ra khỏi luồng lạch nhưng nhà đầu tư chưa đồng ý, hiện đang tập trung tháo gỡ vướng mắc.

ĐÃ THU HỒI 32 DỰ ÁN

Tại Kỳ họp thứ 17, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, việc kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tính từ cuối năm 2021, Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát được 161 dự án; lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt đối với 72 dự án với tổng số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng; thu hồi, chấm dứt hoạt động 29 dự án; chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện đối với 45 dự án; cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với 32 dự án.

Đối với việc xử lý 60 dự án vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP (Nghị định 148 - ngày 18/12/2020) của Chính phủ chưa được cho thuê đất. Kết quả xử lý, đã chấm dứt hoạt động 03 dự án; chấp thuận điều chỉnh tiến độ để tiếp tục triển khai đối với 02 dự án; 17 dự án đã nộp hồ sơ điều chỉnh; Tiếp tục chỉ đạo đôn đốc các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục triển khai đối với 38 dự án còn lại.

Việc các dự án chậm tiến độ có nguyên nhân kinh tế tăng trưởng chậm lại kèm lạm phát tăng cao, cùng với chính sách thắt chặt tín dụng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án đầu tư.

Ngoài ra, còn do các bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật; năng lực một số nhà đầu tư hạn chế, đặc biệt là năng lực tài chính; ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà đầu tư chưa cao…

Đối với nhóm dự án chưa được giao đất, cho thuê đất do vướng mắc quy định tại Nghị định 148, hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ -CP (ngày 03/4/2023) cho phép chuyển tiếp đối với các dự án.

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án. Trường hợp không thực hiện sẽ xử lý chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Ban Mai

Nguồn tin: vneconomy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP