Mẹ tôi tình cờ đọc câu chuyện về người phụ nữ có cuộc hôn nhân bất hạnh, phải đợi 10 năm để ly hôn chồng. Vì cô ấy muốn đợi đến khi con có thể vào đại học mà đã chịu đựng sự vô tâm, cạn tình cùng cực từ chồng bao năm tháng. Tôi hỏi bà, có phải là quá tội nghiệp cho người vợ ấy không? Bà chỉ lắc đầu nói, đáng thương nhất không phải là người vợ.
Mẹ tôi là một người đàn bà ly hôn. Khi tôi 10 tuổi, bà đã quyết định ly dị người chồng phản bội. Tôi quá nhỏ để hiểu nỗi đau của bà, chỉ nhớ khi ấy bà từng nói một câu: “Cuộc sống của mẹ con mình chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn”.
Đàn bà chịu đựng hôn nhân bất hạnh đâu chỉ hại chính mình - Ảnh minh họa: Internet |
Bà không xin lỗi tôi vì đã ly hôn. Vì tôi hiểu cuộc sống tốt đẹp hơn mà bà nói là thế nào. Từ ngày cuộc sống chỉ có hai mẹ con, tôi không còn phải nghe tiếng cãi vã của cha mẹ, không còn phải sợ hãi trước dáng vẻ lạnh lùng, thô bạo của cha. Từ ngày chỉ còn mẹ ở bên, tôi không còn bất cứ ký ức đau buồn nào về một gia đình không hạnh phúc. Đối với tôi, đó đã là điều bình yên nhất. Chỉ có những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không còn hạnh phúc mới có thể hiểu bình yên rốt cuộc là thế nào.
Sau này lớn lên, mẹ tôi nói bà ly hôn là vì không muốn tôi lớn lên với những ký ức của một gia đình không còn tình yêu. Thứ phá vỡ bình yên của một đứa trẻ chính là sự rạn nứt trong tình yêu của cha mẹ chúng. Thấy cha mẹ cãi nhau, lạnh nhạt, thậm chí là tổn thương nhau chính là vết tích của bất hạnh. Và một đứa trẻ lớn lên với một khoảng trời không bình yên như thế sẽ không bao giờ có thể hạnh phúc.
Mẹ tôi nói bà có thể sẵn sàng hy sinh đời mình để sống với người chồng tệ bạc vì tôi. Nhưng bà biết sự hy sinh đó là vô nghĩa, bà muốn bảo vệ trái tim tôi, muốn cho tôi lớn lên bình yên dù là phải nếm qua chia ly. Bởi có những cuộc hội tụ chỉ toàn đau thương, vì thế mà phải có những cuộc chia ly để chuộc lại bình yên nhẹ nhàng.
Và một đứa trẻ lớn lên trong một cuộc hôn nhân bất hạnh sẽ không bao giờ có thể hạnh phúc - Ảnh minh họa: Internet |
Sau này khi lớn lên tôi càng biết ơn vì sự lựa chọn của mẹ. Có một người bạn của tôi trải lòng rằng, cô ấy ước giá như cha mẹ mình có thể ly hôn. Khi 10 tuổi, cô ấy chứng kiến cha đánh mẹ. Khi 15 tuổi, cô ấy thấy cha có nhân tình. Đến khi cô ấy 25 tuổi, mẹ vẫn nhất quyết không ly hôn. Bà muốn cô ấy đàng hoàng có một gia đình đủ đầy cha mẹ để nhà chồng không xem thường.
Năm nay bạn tôi đã hơn 30 tuổi vẫn không thể lấy chồng. Cô ấy nói, dù chẳng ai thấy nhưng cô ấy luôn biết mình mang một trái tim đầy vết thương để có một gia đình của riêng mình. Nỗi ám ảnh về sự bất hạnh của mẹ khiến niềm tin vào hôn nhân đều không thể có. Điều mẹ cô ấy không lường trước được là những gì bà chịu đựng rốt cuộc lại khiến con bà không thể hạnh phúc.
Một gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Nhưng một gia đình đổ vỡ không hẳn sẽ tạo ra những đứa trẻ bất hạnh. Đương nhiên đứa trẻ nào cũng muốn có cả cha và mẹ, nhưng là hình ảnh cha và mẹ yêu thương nhau. Chứng kiến cha mẹ lạnh nhạt với nhau, ruồng bỏ nhau, chịu đựng nhau vì con mới là nỗi thống khổ nhất của những đứa trẻ. Đó sẽ là ký ức chúng mang theo đến suốt đời, tự rào chắn mình khỏi tình yêu hay hôn nhân. Và tất nhiên, một con người không đủ niềm tin vào yêu thương thì làm sao còn có khả năng hạnh phúc?
Nếu đàn bà có một cuộc hôn nhân bất hạnh, xin hãy chọn rời đi, đừng đợi chờ, đừng nghĩ rằng mình phải chịu đựng vì con - Ảnh minh họa: Internet |
Bởi thế, nếu đàn bà có một cuộc hôn nhân bất hạnh, xin hãy chọn rời đi, đừng đợi chờ, đừng nghĩ rằng mình phải chịu đựng vì con. Vì biết đâu, sự chịu đựng của bạn sẽ là vết dao rạch vào tim con, khiến cả đời con không thể bình yên, càng không thể hạnh phúc…
Tác giả: Ngọc Thi
Nguồn tin: phunusuckhoe.vn