Pháp luật

Giật mình nam sinh lớp 12 “mê nghề hacker" cầm đầu nhóm lừa đảo chiếm đoạt 10 tỷ đồng

Là học sinh lớp 12, ít tuổi nhất trong nhóm nhưng Phạm Xuân Thái lại giữ vai trò cầm đầu trong đường dây hack Facebook, lừa đảo hơn 100 nạn nhân, chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng. Điều đáng nói, Thái luôn là học sinh giỏi của trường THPT. Khi Thái bị bắt, ngay cả bố mẹ nam sinh cũng ngỡ ngàng khi biết sự thật về con mình…

Cơ quan công an lấy lời khai của Phạm Xuân Thái (dấu X)

Tội phạm công nghệ cao ẩn dưới vỏ bọc học sinh giỏi

Công an tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với phòng Trọng án cục Cảnh sát Hình sự (bộ Công an) triệt phá băng nhóm lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng qua mạng xã hội Facebook và tài khoản ngân hàng.

Liên quan đường dây này, 7 đối tượng đã bị cơ quan điều tra bắt giữ về hành vi sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, gồm: Phạm Xuân Thái (SN 2002, trú tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); Lê Viết Quý (SN 1994, trú tại phường 1, TP.Đồng Hà, tỉnh Quảng Trị); Cao Đăng Nhu (SN 1995, trú tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); Trịnh Minh Vương (SN 1990); Nguyễn Văn Điền (SN 1997); Lê Hữu Quý (SN 1993); Trịnh Hà Sơn Bình (SN 1986), cùng trú tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Điều đáng nói, đối tượng có vai trò cầm đầu, đảm nhận việc hack Facebook và lừa các nạn nhân trong vụ án này lại là Phạm Xuân Thái, đối tượng mặt búng ra sữa. Khi bị bắt, Thái đang là học sinh lớp 12 của trường THPT Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, 1 cán bộ cục Cảnh sát Hình sự cho biết, qua quá trình đấu tranh, ban chuyên án đã làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động của ổ nhóm này như sau: Đối tượng chọn những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, sau đó lập trình tạo ra các website giả mạo có dạng “Bình chọn giọng hát Việt nhí”, “Bình chọn danh lam thắng cảnh”, “Bình chọn hoa khôi, hoa hậu”... có chứa các ô nhập thông tin tài khoản Facebook, rồi nhắn tin gửi đường link những trang web giả mạo này đến các tài khoản Facebook bất kỳ mà bọn chúng nhắm đến.

Sau đó, khi chủ tài khoản Facebook đăng nhập để bình chọn, các đối tượng sẽ có password rồi chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản facebook đó. Lúc này, bọn chúng sẽ nhắn tin, liên lạc với người thân của tài khoản Facebook đó để vay, mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vào tài khoản ngân hàng ảo của đối tượng. Bọn chúng cũng có thể gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả cho bị hại, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, kiểm tra. Các đối tượng sẽ kết hợp với mã OTP của ngân hàng lừa lấy được từ bị hại, sau đó kiểm soát tài khoản internet banking, chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

Biết sai nhưng vẫn liều

Sau khi bị bắt, Thái khai nhận, khi thực hiện các phi vụ, bản thân Thái cũng biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng vì không có tiền và thấy dễ lừa nên cứ liều. Thái chưa ý thức được hết hậu quả của mình gây ra và trách nhiệm đối với hành vi của mình. Giờ đây, đối tượng “ mới thấy ân hận về điều đó

Với thủ đoạn tinh vi nêu trên, đường dây này cần phải “huy động” nhiều “mắt xích” tham gia để đảm nhận nhiệm vụ, vai trò khác nhau. Trong đó, đối tượng Phạm Xuân Thái có vai trò chuyên hack các tài khoản Facebook hoặc tài khoản ngân hàng. Một cán bộ tham gia chuyên án cho biết, mặc dù Thái mới là học sinh phổ thông nhưng khi chiếm đoạt được tài khoản Facebook của bị hại, Thái đóng giả là người đó để “chát” với người thân của họ, Thái có thể “diễn” tất cả các vai, kể cả cách nói chuyện của người trung niên, người già. Thái vào phần nhắn tin riêng, xem lịch sử trò chuyện, nghiên cứu giọng điệu nói chuyện của họ để bắt chước và vay tiền người thân của họ.

Sau khi chiếm đoạt được tài khoản Facebook, Thái “câu kéo” để lừa người thân của chủ tài khoản Facebook chuyển tiền cho hắn. Tuy nhiên, Thái cũng tinh quái, không liên lạc trực tiếp với nhóm chuyên rút tiền. Thái thông qua trung gian là Cao Đăng Nhu và Lê Viết Quý dắt mối để liên hệ với Trịnh Minh Vương (có sở hữu các tài khoản ảo) để nhóm của Vương trực tiếp đến các cây ATM rút tiền, rồi chia nhau theo tỉ lệ % đã thỏa thuận.

Nói về vai trò của Vương, cơ quan điều tra cho biết, Vương cầm đầu nhóm đối tượng chuyên thu mua các tài khoản ngân hàng của những người cần tiền lập ra, rồi bán lại cho bọn chúng với giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tài khoản. Sau đó, Thái sẽ dụ các bị hại chuyển tiền vào những tài khoản này để bọn chúng chiếm đoạt.

Sở dĩ trong vụ án này có 2 đối tượng làm trung gian (Cao Đăng Nhu và Lê Viết Quý) là do bọn chúng muốn “cắt khúc”, không để đối tượng đầu và đối tượng cuối biết mặt nhau. Các đối tượng đều am hiểu về công nghệ thông tin và giao dịch với nhau trên không gian mạng. Thậm chí, sau khi lừa được nạn nhân nào, bọn chúng lập tức xóa luôn Facebook đang hack và các tài khoản nhận tiền. Vì thế, để dựng lên được tên, tuổi, địa chỉ cụ thể của các đối tượng trong ổ nhóm này không hề đơn giản.

Những phi vụ lừa tiền đơn giản

Theo tài liệu điều tra, đến nay, cơ quan công an đã xác định được một số nạn nhân bị nhóm của Thái lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, ngày 28/3, Thái hack và chiếm quyền sử dụng tài khoản facebook mang tên “Dương Đình Tuấn” của anh Dương Đình Tuấn (SN 2000, quê Nghệ An), hiện là du học sinh tại Hàn Quốc. Thái đăng nhập nick Facebook “Dương Đình Tuấn” giả danh là Tuấn nhắn tin cho mẹ đẻ ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nói mẹ gửi tiền để chiếm đoạt 110 triệu đồng.

Với thủ đoạn tương tự, ngày 20/3, Thái hack Facebook của 1 phụ nữ tên Hằng đang sống tại Mỹ. Sau đó, Thái liên hệ vay tiền để chiếm đoạt 100 triệu đồng của anh H. (trú tại Hải Phòng), là người thân của chị Hằng.

Vào tháng 12/2019, nhóm này hack tài khoản Facebook của anh Vũ Văn Chuyên, hiện đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Thái đăng nhập vào Facebook này, liên lạc với anh Lộc, trú tại Bắc Giang, để nhờ chuyển tiền. Thái (đóng giả anh Chuyên) nói anh Lộc chuyển tiền Việt cho người nhà của mình (qua số tài khoản ảo của bọn chúng), rồi Thái sẽ chuyển trả anh Lộc bằng tiền ngoại tệ. Trong vụ này, nhóm của Thái chiếm đoạt được 24 triệu đồng của anh Lộc.

Vụ gần đây nhất, ngày 15/4, nhóm của Thái hack và truy cập vào Facebook “Dung Lê”, liên lạc với chị N.T.P.T., trú tại Hà Nội, hỏi vay 24 triệu đồng. Rất may, trong tài khoản của chị T. chỉ còn 5 triệu nên chúng chỉ chiếm đoạt được số tiền trên.

Nghiện games cờ bạc trên mạng

Trong số 7 đối tượng bị bắt giữ, đa phần số tiền chiếm đoạt được, bọn chúng cũng “nướng” hết vào cờ bạc trên mạng thông qua trò chơi games đổi thưởng. Số tiền còn lại, các đối tượng khai đã ăn tiêu hết.

Được biết, Thái sinh ra trong 1 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố làm thợ xây, mẹ cũng phải đi làm thuê kiếm sống. Nhà Thái có 3 anh chị em. Từ nhỏ tới năm lớp 12, Thái đều thuộc diện học sinh khá, giỏi. Vậy nhưng, thời gian gần đây, Thái có biểu hiện tiêu tiền “không phải nghĩ”. Thái đi xe máy SH; sử dụng toàn điện thoại đời mới, có giá hàng chục triệu/chiếc; có cả máy tính Macbook...

Trong đường dây này, trước khi Thái bị bắt thì 4 đối tượng gồm Trịnh Minh Vương, Cao Đăng Nhu, Lê Hữu Quý và Trịnh Hà Sơn Bình đã bị bắt ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, Thái cho rằng, mình đã “cắt khúc” với nhóm chuyên rút tiền nên cơ quan công an sẽ khó tìm ra hắn.

Vị cán bộ tham gia chuyên án cho biết: Hôm cơ quan công an đến triệu tập, Thái vẫn ở trường. Thái nghĩ rằng, công an chưa làm ra vai trò của mình nên vẫn đi học bình thường. Đến lúc, lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp tố tụng thì bố mẹ Thái mới ngỡ ngàng, không thể tin rằng con mình lại làm điều phạm pháp như vậy.

Tỉ lệ ăn chia

Sau khi chiếm đoạt được tiền của nạn nhân, đối tượng Vương chia nhỏ, chuyển qua nhiều tài khoản, nhiều ngân hàng khác nhau rồi giao cho Nguyễn Văn Điền, Lê Hữu Quý, Trịnh Hà Sơn Bình trực tiếp rút tiền mặt tại các cây ATM. Nhóm đối tượng khai nhận, Thái hưởng 70%, Lê Viết Quý hưởng 10%, Nhu hưởng 10%, Vương hưởng 5%, các đối tượng Điền, Bình và Lê Hữu Quý chia nhau 5% còn lại trên tổng số tiền đã chiếm đoạt.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP