Văn bản ngày 21/9/2016 của Sở GD-ĐT TPHCM về hướng dẫn sử dụng học phí và các khoản thu khác trong cơ sở giáo dục công lập nhấn mạnh: Tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền.
Thật ra, nội dung này đã được Sở GD-ĐT TPHCM đề cập và “nhắc nhở” các trường từ vài năm trước. Các trường đều phòng kế toán, thủ quỹ có trách nhiệm đứng ra thu các khoản tiền trường nên tưởng như quy định này dễ thực hiện. Nhưng thật ra quy định vẫn nằm trên giấy, giáo viên vẫn khó thoát kiếp “nợ nần” trong trường học.
Phần lớn, đích thân giáo viên phải đứng ra thông báo, “giải trình” trước ánh mắt tâm tư , trăn trở của phụ huynh về các khoản thu trong năm học. Thế nên mới có chuyện, sao họp phụ huynh mà toàn nghe thầy cô nói chuyện… tiền là vậy. Chẳng giáo viên nào muốn ôm vào mình việc không nằm trong chuyên môn.
Ngành giáo dục TPHCM có quy định tuyệt đối không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi các khoản tiền
Cô Lê Hồng Th., một giáo viên tiểu học ở TPHCM nói rằng quy định không giao giáo viên thu tiền là cần thiết, đó không phải là chuyên môn cũng không phải trách nhiệm của người thầy. Đừng để người thầy vừa đứng lớp rao giảng đạo đức rồi sau đó phải “canh” phụ huynh, học sinh để đòi tiền.
Các trường lại rất khó thực hiện triệt để. Trường có phòng kế toán thu tiền nhưng đâu phải phụ huynh nào đến ngày đến tháng là đóng đủ. Những “ca khó” là nhà trường “nhờ” giáo viên và học sinh lớp mình chưa đóng tiền thì giáo viên như đang “mắc nợ” nhà trường.
“Có lần tôi phải gọi đi gọi lại để nhắc một phụ huynh đóng tiền bán trú cho con. Phụ huynh chắc thấy phiền quá nói luôn: “Bố mẹ nó nghèo không có tiền, cô là giáo viên thương tình học sinh lên trường đóng giùm đi”. Cô Th. kể lại mà không hết nghẹn ngào.
Cô Th. chia sẻ, việc giáo viên phải thu tiền học sinh trong giờ học, giờ ra chơi rất lộn xộn dễ mất mát hoặc phụ huynh chưa đóng nhưng nói đóng rồi là chuyện rất hay gặp. Khôn g ít lần cô phải bỏ tiền túi ra để bù vào.
Nhắc đến quy định không giao giáo viên thu tiền, một Trần Thu Hạnh, Trường tiểu học C., Q.5, TPHCM cười ngán ngẩm cho hay luật vua thua lệ làng. Bản thân cô và đồng nghiệp vẫn có đủ khoản tiền phải “làm việc” với phụ huynh.
Ở trường cô Hạnh có phòng kế toán, thủ quỹ sẽ thu các khoản tiền cơ bản của học sinh. Chỉ có một số phụ huynh không đứng chờ để đóng tiền được thì gửi giáo viên chủ nhiệm nhờ đóng hộ, ở đây giáo viên có thể từ chối. Nhưng với trường hợp phụ huynh chậm đóng tiền thì thì nhà trường “ới” giáo viên.
“Nhưng mà cỡ nào cũng không thoát được. Nào là mua báo, xem xiếc, các hoạt động ngoại khóa, tham quan… kiểu nào cũng dính tới tiền hết”, cô Hạnh bày tỏ và đưa ra đề xuất trường Sư phạm nên có thêm môn học hoặc có thêm phần bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý tài chính, hỏi nợ cho giáo viên.
Chưa kể, nhiều giáo viên cho hay, những khoản tiền nằm trong quy định, có biên lai, hóa đơn thường thì phòng kế toán thu. Còn nhiều khoản tiền tự nguyện, tiền đóng góp… rất dễ “đổ đầu” nhà giáo, nhất là khi phụ huynh hay dùng dằng không muốn đóng những khoản này.
“Cái uy” của nhà giáo với phụ huynh lúc này được được tận dụng để… hỏi tiền. Thành ra, việc giao giáo viên thu tiền chẳng khác nào ép thầy cô trở thành “cánh tay quyền lực” của nhà trường đối với phụ huynh.
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: