Giáo dục

'Giáo viên đi thi chưa hẳn dạy giỏi mà diễn giỏi'

Cô Hồng Lê (TP.HCM) kể giáo viên thi dạy giỏi dặn học sinh bạn nào biết thì giơ tay phải, ai không biết giơ tay trái. Cô giáo sẽ gọi bạn biết và cả lớp phải giơ tay.

Câu chuyện nhà trường chỉ chọn học sinh giỏi đến lớp, em nào yếu kém phải ở nhà để cô giáo thi dạy giỏi ở Hải Phòng một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về bệnh thành tích trong giáo dục. Theo một số giáo viên, tình trạng thi... diễn này đã tồn tại nhiều năm.

"Bạn nào biết giơ tay phải, không biết giơ tay trái"

Cô Hồng Lê (TP.HCM) có kinh nghiệm đứng lớp hơn 10 năm, nhưng chưa từng tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi. Dù vậy, nữ giáo viên nói từng chứng kiến không ít câu chuyện "diễn" xung quanh kỳ thi này.

Năm trước, học sinh lớp cô Lê chủ nhiệm được chọn tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Đồng nghiệp đến xin tiết để làm quen học sinh, chuẩn bị cho giờ thi. Cô Lê tò mò xem họ chuẩn bị những gì thì thấy nữ giáo viên thi dạy giỏi dặn học sinh: "Bạn nào biết giơ tay phải. Bạn nào không biết giơ tay trái. Cô giáo sẽ gọi bạn biết và cả lớp phải giơ tay”.

Câu chuyện giáo viên thi dạy giỏi là diễn tồn tại nhiều năm nay. Ảnh minh họa: Quang Đức.

Cô Thùy Dung (Hải Dương) kể nữ giáo viên từng thi dạy giỏi cách đây 15 năm, khi đó còn đơn giản. Giáo viên không phải bỏ lớp nhiều để tập luyện. Còn hiện nay, giáo viên tập trung luyện dạy, thi sáng kiến, bài viết, đa số phải bỏ học sinh của mình, nhờ thầy cô khác dạy thay.

Tình trạng chọn học sinh khá, giỏi đi thi, những em yếu kém phải ở nhà đã tồn tại nhiều năm. Thông thường, mỗi lớp sẽ chọn khoảng 20 em. Tuy nhiên, việc dặn học sinh để... diễn sẽ khó khăn hơn nếu tổ chức thi thành cụm.

Giáo viên đi thi sẽ được bốc thăm bài trước 3 ngày. Lúc này, cả trường tập trung thiết kế bài thi cho cô giáo. Cô học thuộc rồi... diễn lại nhiều lần, sau mỗi lần lại có góp ý, chỉnh sửa.

Cô Thùy Dung cũng cho hay giáo viên được chọn đi thi chưa hẳn dạy giỏi, mà... diễn giỏi. Tất nhiên, không thể phủ nhận có những thầy cô có năng lực thực sự, giỏi thực chất, xứng đáng được giải thưởng.

Đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận, cô Phạm Mai (Hà Nội) kể khi thao giảng, cô từng từ chối diễn nên bị cấp trên và đồng nghiệp chỉ trích vì cho rằng... mạo hiểm. Cô Mai đánh giá quan trọng nhất của một bài giảng là sự lan tỏa, ảnh hưởng như thế nào đến học sinh. Thầy cô chỉ diễn thì khó làm được việc này.

Theo cô Mai, việc thực tập trước học sinh để tránh bỡ ngỡ cũng là điều nên làm trước kỳ thi nhưng giáo viên không nên lạm dụng. Bài học sẽ bị bó buộc trong khuôn khổ chuẩn bị sẵn, không có sự sáng tạo, cảm xúc.

“Lộ bài” trước ban giám khảo

Từng nhiều năm làm ban giám khảo chấm các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay phần lớn bài thi đều là diễn, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít mà thôi. Trong đó, bà Hương gặp không ít trường hợp hài hước.

Hà Nội - nói giáo viên thi dạy giỏi đều biết rõ đề bài và có sự chuẩn bị trước. Ảnh: NVCC.

“Tôi tham gia chấm thi giáo viên dạy học sinh lớp 1, trẻ phần lớn đều chư đọc thông, viết thạo. Khi cô giáo chưa kịp đọc câu hỏi của trò chơi học tập là giải câu đố, học sinh đã đứng lên đọc đáp án", bà Hương kể lại.

Trường hợp khác, cô giáo vừa bật hình từ máy chiếu, học sinh đã đọc vanh vách kiến thức.

Có em đang trong tiết học đứng lên nói: “Cô ơi, bài này hôm qua chúng ta vừa học rồi mà nay lại học lại” hay “Sao cô chỉ gọi tên vài bạn mà không gọi con”.

Nhiều năm trước, sau khi kết thúc bài giảng, ban giám khảo đứng lên ra về thường thấy cảnh học sinh bên ngoài ùn ùn kéo nhau về lớp, học sinh bên trong đi sang lớp khác. Nhà trường thường chỉ chọn những em khá, giỏi tham gia.

Việc diễn ở bậc tiểu học thường bị "lộ bài" bởi chính những học sinh hồn nhiên, ngây thơ như vậy. Lên cấp hai, ba, tình trạng chọn học sinh để cô giáo đi thi dạy giỏi vẫn có nhưng ít hơn.

Cũng theo TS Vũ Thu Hương, giáo viên thi dạy giỏi đều biết rõ đề bài và có sự chuẩn bị trước. Ví dụ, cấp tiểu học sẽ có lịch tuần của cả nước học tập giống nhau (từ một đến 35). Khi có lịch của cán bộ đi chấm thi, thầy cô sẽ biết phải chuẩn bị bài gì.

Từng có thời điểm một tuần bà Hương đi chấm 5 đến 7 trường và trường nào cũng dạy duy nhất một bài. Điều này khiến ban giám khảo cũng... chán nản.

Trước câu hỏi vì sao biết thi giáo viên dạy giỏi là diễn nhưng thầy cô vẫn tham gia nhiều, nữ tiến sĩ lý giải thành tích ảnh hưởng trực tiếp việc xếp hạng, quyền lợi cá nhân và nhà trường.

Theo quy định biên chế, giáo viên đạt chiến sĩ thi liên tiếp sẽ được tăng lương trước hạn. Các tiêu chí để đạt chiến sĩ thi đua, ngoài số học sinh giỏi trong lớp, bằng tin học, tiếng Anh, sẽ còn một phần rất quan trọng là thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm.

Cô giáo Hồng Lê cho hay giáo viên thi dạy giỏi xin chuyển về thành phố dễ dàng hơn. Khi cấp trên chọn dự nguồn hiệu phó, hiệu trưởng cũng sẽ được lưu tâm hàng đầu.

Trước đó, báo chí đăng tải thông tin trong ba ngày 9-11/1, trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Chu Văn An (Ngô Quyền, Hải Phòng) diễn ra Hội thi giáo viên giỏi thành phố bậc tiểu học do sởGD&ĐT tổ chức.

Theo yêu cầu của nhà trường, chỉ học sinh chăm ngoan, học giỏi mới được tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi, học sinh lực học yếu hơn được cho nghỉ.

Tối 12/1, nguồn tin từ Bộ GD&ĐT cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo lập tổ công tác kiểm tra sự việc này.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP