Giáo dục

Giáo viên còn gặp khó khi triển khai cho học sinh tự đánh giá

Trong quá trình dạy học việc rèn kĩ năng tự đánh giá cho học sinh sẽ giúp cho học sinh tự phát hiện điểm mạnh của mình để phát huy, và điểm yếu của mình để khắc phục. Người học sẽ hình thành tư duy đánh giá độc lập trong suy nghĩ, qua đó có thể phát triển bản thân lên mức cao hơn.

Hôm nay (14/12), tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Đánh giá người học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, đánh giá kết quả học tập của người học đối với các môn học và hoạt động giáo dục theo quá trình hay ở mỗi giai đoạn học tập chính là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu dạy học về năng lực, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của người học, hướng tới đánh giá vì sự tiến bộ của người học.

Để chứng minh người học có năng lực ở một mức độ nào đó, phải tạo cơ hội cho người học được giải quyết vấn đề trong tình huống mang tính thực tiễn. Khi đó người học vừa phải vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã được học ở nhà trường, vừa sử dụng những kinh nghiệm của bản thân thu được từ những trải nghiệm bên ngoài nhà trường (gia đình, cộng đồng và xã hội) để giải quyết vấn đề của thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Như vậy, thông qua việc hoàn thành một nhiệm vụ trong bối cảnh thực, có thể đồng thời đánh giá được cả khả năng nhận thức, kĩ năng thực hiện và những giá trị, tình cảm của người học. Mặt khác, đánh giá năng lực không hoàn toàn phải dựa vào chương trình giáo dục của từng môn học như đánh giá kiến thức, kĩ năng, bởi năng lực là tổng hòa, kết tinh kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, giá trị, chuẩn mực đạo đức,… được hình thành từ nhiều môn học, lĩnh vực học tập khác nhau, và từ sự phát triển tự nhiên về mặt xã hội của một con người.

Tự đánh giá giúp học sinh phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu

Tham luận tại hội thảo về phương pháp tự đánh giá, Ths Nguyễn Việt Hà, giảng viên Khoa Sư phạm – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới đã xác định mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho người học. Để quá trình đổi mới giáo dục đạt hiệu quả, ngoài đổi mới chương trình giảng dạy, sách giáo khoa,…, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá có vai trò rất quan trọng.

Đánh giá cung cấp cho người dạy những thông tin phản hồi kịp thời, chính xác về mức độ lĩnh hội kiến thức, kĩ năng và năng lực của học sinh, cũng như nắm được sự tiến bộ của người học, từ đó có những tác động sư phạm phù hợp với từng đối tượng học sin. Theo Thông tư số 22/2021/TT[1]BGDĐT của Bộ GD-ĐT (2021) quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT cần đảm bảo tính chính xác, toàn diện công bằng và khách quan. Quá trình đánh giá có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp, ưu tiên sự động viên, khuyến khích sự cố gắng vươn lên của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác.

Trong quá trình dạy học việc rèn kĩ năng tự đánh giá cho học sinh sẽ giúp cho học sinh tự phát hiện điểm mạnh của mình để phát huy, và điểm yếu của mình để khắc phục. Người học sẽ hình thành tư duy đánh giá độc lập trong suy nghĩ, qua đó có thể phát triển bản thân lên mức cao hơn.

"Hiện nay, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai tự đánh giá, một trong những nguyên nhân của khó khăn đó là do học sinh chưa được làm quen và rèn luyện kĩ năng tự đánh giá trong quá trình học tập", Ths Nguyễn Việt Hà nhận định.

Theo Ths Nguyễn Việt Hà, việc tự đánh giá sẽ chia thành các mức độ khác nhau. Trong đó mức độ 1: Lặp lại với các học sinh chưa có kinh nghiệm tự đánh giá giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh theo sơ đồ, giáo viên làm mẫu, sau đó học sinh thực hiện theo, giáo viên điều chỉnh lại.

Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh các bước chi tiết để học sinh nắm vững được các bước và tiêu chí trong quá trình tự đánh giá, sau đó học sinh tiến hành tự đánh giá theo trình tự giáo viên hướng dẫn, giáo viên sau khi nhận kết quả tự đánh giá của học sinh sẽ giúp học sinh điều chỉnh lại và bổ sung những chỗ còn thiếu sót.

Mức độ 2: Với các học sinh đã có được kinh nghiệm tự đánh giá nhưng chưa thành thạo, khi học sinh tiếp nhận nhiệm vụ thì chưa có sự định hướng hoạt động sao cho hiệu quả. Giáo viên sẽ hướng dẫn theo quy trình sau giáo viên định hướng, học sinh thực hiện, giáo viên điều chỉnh.

Với những học sinh này giáo viên sẽ không làm mẫu mà định hướng bằng các câu hỏi định hướng hoặc các bài học đã được thiết kế. Học sinh sẽ nhận nhiệm vụ và thực hiện quá trình tự đánh giá. Sau đó giáo viên và học sinh sẽ tiến hành thảo luận qua đó giáo viên sẽ điều chỉnh lại.

Mức độ 3: Độc lập đối với các học sinh đã thành thạo kinh nghiệm tự đánh giá, giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và thực hiện rèn luyện theo quy trình sau: Học sinh tự định hướng, học sinh tự thực hiện, giáo viên kiểm tra, điều chỉnh sau khi nhận nhiệm vụ học sinh sẽ tự nghiên cứu nội dung và tự định hướng mục tiêu cần đạt, sau đó học sinh sẽ tự thực hiện và tự đánh giá. Sau khi tổ chức thảo luận giáo viên sẽ đánh giá và điều chỉnh lại.

"Từ thực tiễn triển khai hoạt động dạy học rèn luyện kĩ năng tự đánh giá thông qua chủ đề dạy học “phản ứng oxy hóa khử”, Hóa học 10, tôi nhận thấy quá trình tự đánh giá không chỉ giúp học sinh tự điều chỉnh việc học của bản thân mà còn giúp giáo viên thu được các thông tin phản hồi để có thể điểu chỉnh lại phương pháp, hình thức dạy học cho phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy học", Ths Nguyễn Việt Hà cho hay.

Giáo viên "tương lai" cũng cần được rèn năng lực tự đánh giá

Còn theo TS. Ngô Thị Kim Hoàn (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội), muốn học sinh có năng lực tự đánh giá, cần đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng này cho chính những sinh viên sư phạm – những thầy cô giáo tương lai: “Kĩ năng tự đánh giá cần được phát triển ngay trong môi trường sư phạm thông qua các hoạt động và bài học. Điều này là quan trọng vì giáo viên tương lai sẽ dạy cho học sinh của mình cách tự đánh giá trong quá trình học tập. Để phát triển kĩ năng này cho sinh viên, cần sự tác động và kết hợp từ nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố bản thân sinh viên và giảng viên”.

Để việc tự đánh giá hiệu quả, mỗi sinh viên sư phạm cần nhận thức rõ ý nghĩa của việc tự đánh giá và phát triển kĩ năng này. Dựa trên nhận thức đó, sinh viên cần tích cực, chủ động và sáng tạo trong việc rèn luyện kĩ năng tự đánh giá trong quá trình học tập của mình. Mỗi kĩ năng được hình thành và phát triển dựa trên nhận thức, quyết tâm và khả năng tiếp nhận của chủ thể - ở đây là sinh viên, cùng với cách rèn luyện và tính phức tạp của kĩ năng đó.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có vai trò quan trọng trong việc tổ chức và hướng dẫn sinh viên biết cách tự đánh giá và khuyến khích sinh viên thực hiện đánh giá lẫn nhau.

Điều này giúp sinh viên phát triển khả năng tự đánh giá và đồng thời khuyến khích sự thay đổi tích cực trong người học, không chỉ là việc nắm vững kiến thức và kĩ năng, mà còn thay đổi cả thái độ và niềm tin của sinh viên.

Cụ thể, giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên cách tự đánh giá kết quả và quá trình học tập thông qua các hoạt động như thảo luận, làm việc nhóm và các hoạt động khác.

Ví dụ, trong một hoạt động thảo luận, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên tự đánh giá đóng góp của mình trong quá trình thảo luận, khả năng lắng nghe và tương tác với các thành viên khác trong nhóm. Sinh viên có thể tự đánh giá mức độ tham gia tích cực và đóng góp ý kiến xây dựng của mình.

Đồng thời, giảng viên cần đề ra rõ các tiêu chí cần đạt được cho các hoạt động thảo luận và hoạt động khác. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ yêu cầu và tiêu chí đánh giá của một hoạt động cụ thể. Nếu mỗi thành viên trong nhóm hoặc từng nhóm đạt được các tiêu chí đã đề ra, thì sinh viên đó và cả nhóm sẽ được đánh giá tốt.

Qua việc thực hiện các hoạt động tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau, sinh viên không chỉ phát triển khả năng đánh giá bản thân một cách khách quan mà còn học hỏi từ kinh nghiệm và quan điểm của đồng học viên. Điều này thúc đẩy sự tương tác, giao tiếp và hợp tác trong quá trình học tập, đồng thời thúc đẩy sự nỗ lực cá nhân và tinh thần phát triển. Qua việc thực hiện đánh giá tích cực và xây dựng, giảng viên tạo điều kiện cho sinh viên phát triển khả năng tự đánh giá và trở thành người học tự quản, có khả năng định hình và cải thiện quá trình học tập của mình.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP