Giáo dục

Giáo dục Phần Lan: Đâu tin thật, đâu tin giả?

Gần hai thập kỷ nay, Phần Lan được biết đến như một cường quốc về giáo dục (nhất là giáo dục phổ thông).

Vì thế mà từ đó đến nay, các phương tiện truyền thông thế giới thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin về những thay đổi của giáo dục nước này. Song, điều đáng tiếc là bên cạnh những thông tin chính thức, tin cậy, cũng có một số thông tin do người viết hiểu không đúng, dẫn đến đưa tin thiếu chính xác.

Còn nhớ cách đây gần 2 năm (20.3.2015) một tin "sốt" gây sự chú ý cho rất nhiều người quan tâm đến giáo dục là: trường học Phần Lan sẽ thay việc dạy các môn học theo cách dạy truyền thống bằng việc dạy theo các chủ đề trong chương trình đổi mới giáo dục vào năm 2016. Tin đó bắt đầu từ một bài báo trên tờ The Independent .

Trước sự lan truyền nhanh chóng của tin này trên các hãng truyền thông quốc tế, 5 ngày sau, Nha giáo dục Phần Lan (OPH) đã chính thức cải chính trên trang mạng của mình rằng: Phần Lan không bó các môn học truyền thống. Thông tin về sự cải chính này đã được Vietnamnet kip thời đăng tải.

Vậy mà hồi trung tuần tháng 11.2016, tin “sốt” giả này lại xuất hiện trên khá nhiều trang mạng Việt Nam. Đáng chú ý, có tờ báo còn đi xa hơn khi có bài phỏng vấn với tiêu đề: “Phần Lan xóa các môn học: Việt Nam khó mơ” cứ như đó là một sự thực chắc chắn.

Từ các trang mạng chính thức của Nha giáo dục Phần Lan (oph.fi) và trang của Bộ Văn hóa và Giáo dục Phần Lan (minedu.fi), tôi không thấy có gì mới hơn về tin họ đã cải chính năm 2015.



Trở lại với tin trên tờ báo nọ, tôi được biết bài viết ở đây được tóm lược từ bài viết trên trang Brightside.me - một trang chuyên tổng hợp tin tức - và bài về giáo dục Phần Lan ở trang đó còn viết ở cuối bài: “Based on materials from independent” (khai thác tư liệu từ Independent). Nhưng chắc nhiều người không để ý và tìm hiểu thêm nên không biết đó là tin cũ có từ tháng 3.2015.

giao duc phan lan dau tin that dau tin gia
Học sinh trường tiểu học Siltamaki đọc ráp trong một buổi học theo chủ đề.

Hôm qua (10.1.2017) một người bạn nhắn tin cho biết: lại có tin “Phần Lan sẽ bỏ hết tất cả các môn học riêng biệt vào năm 2020” trên ấn bản điện tử của VOV. Dưới bài viết, tác giả có ghi: “Theo Bright Side”.

Trên các trang mạng của Nha giáo dục Phần Lan và của Bộ Văn hóa và Giáo dục Phần Lan không có tin gì về việc Phần Lan bỏ các môn học riêng lẻ hay “cuộc cách mạng giáo dục” như một số báo "phong tặng".

Vậy giáo dục Phần Lan có gì mới?

Điểm mới của giáo dục Phần Lan từ năm hoc 2016 - 2017 là từ tháng 8.2016, các trường cơ sở và trung học trong cả nước sẽ áp dụng khung chương trình mới (New Curriculum), trong đó có một số điểm đáng chú ý căn bản như:

- Đổi mới việc đánh giá học sinh: Chỉ chấm điểm học sinh từ lớp 8 trở lên.

- Dạy ngoại ngữ thứ nhất từ năm lớp 2 (sớm hơn 1 năm so với trước).

- Tăng giờ học các môn nghệ thuật

- Mỗi năm mỗi lớp phải học ít nhất một tiết tích hợp, tức học chung các môn cùng lúc.

Theo kết quả PISA 2015 vừa được công bố, Phần Lan không ở ngôi vị số 1, mà có sự lên ngôi của các quốc gia Đông Á. Nhưng khác với các quốc gia này, dù ở trong nhóm nước có kết quả PISA cao, trường học Phần Lan không có sức ép như các quốc gia đó.

Học sinh Phần Lan có số giờ học trên lớp và giờ làm bài tập ở nhà ít nhất trong số các quốc gia tham gia khảo sát. Trong 12 năm học phổ thông chỉ có một kỳ thi tốt nghiệp cuối bậc học này để chuyển lên đại học hoặc đi làm.

Mặc dù trong hai kỳ PISA 2012 và 2015 Phần Lan bị sụt hạng về môn Toán, song không vì thế mà các nhà quản lý giáo dục cũng như giáo viên lo ngại.

Cái khiến họ quan tâm hơn là sự chênh lệnh giữa học sinh nam và nữ, giữa các vùng thể hiện rõ hơn các kì PISA trước.

Nhà Nobel kinh tế Bengt Holmström cho rằng: "Giáo dục Phần Lan vẫn phát triển đúng hướng và có chất lượng tốt. Không nên quan trọng hóa kết quả PISA. Điều quan trọng là trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của các em sau này"

Tác giả bài viết: Võ Xuân Quế (Phần Lan)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP