Giáo dục

Giáo dục nghề nghiệp đào tạo hơn 1.500 ngành, nghề đáp ứng nhu cầu xã hội

Theo danh mục đào tạo, lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện có 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, đáp ứng nhu cầu của thanh niên và thị trường lao động.

Nghề pha chế rượu (Ảnh: TCDN).

Đào tạo mọi đối tượng

Mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và mô hình hoạt động, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền.

Thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW, GDNN đã hình thành mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm và tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế theo Đề án Chính phủ phê duyệt; hình thành và xây dựng một số cơ sở GDNN chuyên biệt để đào tạo cho nhóm đối tượng yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…), đào tạo ngành, nghề phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.

Ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực GDNN đa dạng, phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu học nghề của thanh niên và yêu cầu của thị trường lao động. Theo danh mục đào tạo, hiện có 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, thuộc 65 nhóm ngành, nghề ở 23 lĩnh vực, bao phủ mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước (từ kinh tế, xã hội; công nghệ kỹ thuật, dịch vụ, y tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ...).

Thanh niên học nghề ngày càng tăng

Trong những năm gần đây, số thanh niên tham gia vào học nghề ngày càng tăng. Giai đoạn 2016 - 2020 tuyển sinh đạt 11.077 ngàn người (đạt 103% kế hoạch, tăng hơn 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015), vượt kế hoạch được giao của giai đoạn 2016-2020, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 2.472 ngàn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.605 ngàn người.

Tốt nghiệp GDNN đạt 10.212 ngàn người (đạt 108% kế hoạch). Trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 1.993 ngàn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.219 ngàn người.

Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2011 - 2020 đạt 19,67 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt 1,945 triệu người (chiếm 9,8%), trình độ trung cấp đạt 2,3 triệu người (chiếm 11,86%); số người thuộc nhóm dân tộc thiểu số chiếm khoảng 7,5% và nữ chiếm 25,5%.

Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của cả nước năm 2020 đạt 24,6%.

Ngành, nghề đào tạo được mở dần, từng bước phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động (TTLĐ) ở từng địa phương, từng lĩnh vực.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 được đẩy mạnh. Cả nước có trên 9 triệu lao động nông thôn được học nghề (đạt 91% kế hoạch), trong đó gần 5,2 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án, đạt 73,5% kế hoạch.

Các đối tượng yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người nghèo), phụ nữ nông thôn, bộ đội xuất ngũ,… đã được quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm với các hình thức và mô hình phù hợp, bằng các chính sách thiết thực và hiệu quả.

sinh viên trong phòng thí nghiệm (Ảnh: TCDN).

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại song các địa phương, cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh.

Tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,81%; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.540.440 người, đạt 91,69%).

Phối hợp với nước ngoài đào tạo nghề chất lượng cao, sinh viên tốt nghiệp được cấp 2 bằng

Theo thông tin từ Tổng Cục dạy nghề, đội ngũ nhà giáo GDNN hiện nay tăng nhanh về số lượng, chất lượng, từng bước đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm; một bộ phận nhà giáo dạy các nghề trọng điểm trình độ quốc tế được đào tạo kỹ năng tại nước ngoài.

Trên 50% số nhà giáo trong các trường trung cấp và cao đẳng có thể dạy tích hợp (cả lý thuyết và thực hành nghề). Đã hình thành được mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm GDNN cho đội ngũ nhà giáo.

Đội ngũ cán bộ quản lý GDNN có trình độ chuyên môn phù hợp, được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý; từng bước đạt chuẩn. Trong đó, một bộ phận cán bộ quản lý đã được đào tạo, bồi dưỡng trong nước theo các chương trình quốc tế và đào tạo tại nước ngoài như Úc, Đức, Hàn Quốc, Mỹ….

Các cơ sở GDNN đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở Chuẩn đầu ra, bảo đảm linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn sử dụng nhân lực của doanh nghiệp; đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thí điểm phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến của một số nước phát triển như Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sỹ..., đồng thời, đã chuyển giao các bộ chương trình đào tạo tiên tiến của Úc, Cộng hòa Liên Bang Đức, Pháp và Hàn Quốc.

Nhiều cơ sở GDNN đã triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài.

Chuyên gia Đức hướng dẫn sinh viên thực hành nghề.

Phương pháp đào tạo từng bước được đổi mới, ứng dụng công nghệ đào tạo và công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học; chuyển hướng dạy thụ động sang hướng tích cực, chủ động của người học và hướng tới cá thể hóa; bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức đào tạo.

Từ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động GDNN đã thực hiện số hóa, chuyển đổi việc tuyển sinh đào tạo sang hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp;

Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và chương trình đào tạo; một số ngành, nghề trọng điểm được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiên tiến phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0.

Việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho các ngành, nghề góp phần bước đầu đổi mới cơ chế quản lý tài chính từ giao kinh phí hoạt động thường xuyên sang đặt hàng đào tạo theo đầu ra cho các cơ sở GDNN; nhiều cơ sở GDNN được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, tiếp cận tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.

Đào tạo chất lượng cao được đẩy mạnh, đã tổ chức đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc, CHLB Đức. Sau khi ra trường, sinh viên được cấp 02 bằng tốt nghiệp (bằng Việt Nam và bằng của nước chuyển giao), có khả năng tham gia vào thị trường lao động quốc tế.

Gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững có chuyển biến tích cực, nhìn nhận của doanh nghiệp về GDNN có thay đổi trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cơ sở GDNN. Cơ sở GDNN và doanh nghiệp đã có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú; gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp.

Trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới, đoàn Việt Nam đã đạt thứ hạng cao, chất lượng đào tạo nghề bước đầu được khẳng định ở tầm khu vực và thế giới.

80% người tốt nghiệp có việc làm phù hợp

Theo thống kê của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, chất lượng và hiệu quả GDNN từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Kỹ năng nghề của người học được tăng cường, khoảng 80% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế (tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%, vượt 9,3%).

Ở một số nghề (nghề Hàn, Cơ điện tử, Viễn thông, Logistic, Du lịch, Dầu khí…), kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (2019), chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc trong trụ cột kỹ năng. Trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới, đoàn Việt Nam đã đạt thứ hạng cao, chất lượng đào tạo nghề bước đầu được khẳng định ở tầm khu vực và thế giới.

Ngân sách nhà nước chi cho GDNN chiếm bình quân khoảng 8%

Nguồn lực đầu tư cho GDNN tiếp tục được tăng cường và đa dạng hóa. Giai đoạn 2012-2019, ngân sách nhà nước chi cho GDNN chiếm bình quân khoảng 8% chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa theo hướng tăng dần (từ 2017 đến nay định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và GDNN, tùy theo từng vùng được điều chỉnh tăng bình quân 1,76 lần so với giai đoạn 2011-2016); đã huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển GDNN.

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP