Kinh tế

Giảm giá sâu bán chạy ế, đại lý ô tô kêu trời lỗ nặng

Giá nhiều mẫu xe hiện giảm xuống đáy do cung vượt cầu, còn các đại lý thi nhau xả hàng tồn kho. Thua lỗ nhiều, các DN bán lẻ ô tô đang kỳ vọng sau tháng 7 âm lịch giá sẽ tăng.

Tồn kho lớn

Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô của các DN thành viên, tính đến hết tháng 7/2019 đạt 180.940 chiếc, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 35%. Lượng xe bán ra liên tục tăng, nhiều DN vẫn đạt được tăng trưởng cao nhưng bán lẻ ô tô gặp khó khăn.

Bởi, trong quý 2/2019, do nguồn cung tăng mạnh, một loạt sản phẩm mới ra mắt, có hãng xe tung ra thị trường sản lượng gần gấp đôi so với quý 1 khiến tồn kho tăng cao. Các đại lý buộc phải hạ giá nhiều mẫu xe, chấp nhận thua lỗ, bán để giải quyết hàng tồn kho.

Xe giảm giá mạnh khiến các đại lý kêu trời vì thua lỗ

Báo cáo tài chính của Savico - DN bán lẻ ô tô lớn với 50 đại lý, chiếm gần 20% thị phần ô tô cả nước - cho thấy, riêng quý 2/2019 công ty đã giảm hơn 42% lãi ròng, chỉ còn 20 tỷ đồng. Nhiều đại lý ô tô của DN này ghi nhận lỗ, nguyên nhân chủ yếu do hàng tồn kho lớn. Tại Công ty Cổ phần City Auto, đơn vị phân phối ô tô lớn nhất của Ford Việt Nam, hàng tồn kho đã tăng thêm hơn 42 tỷ đồng trong quý 2/2019.

Xe nhập khẩu nguyên chiếc hưởng thuế 0% tràn về nhiều không chỉ làm cho sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước sụt giảm mà còn đẩy tồn kho tại các đại lý tăng.

Trên thị trường, nhiều mẫu xe thời điểm này đã giảm giá xuống đáy. Ngoài các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ chính hãng thì các đại lý cũng chủ động giảm giá cho khách hàng. Vì vậy, giá xe giảm từ 30 đến gần 150 triệu đồng ở khắp các phân khúc.

Một số đại lý cho biết, nhiều xe nhận về từ cuối tháng 3/2019 đến nay vẫn chưa bán được, càng để lâu càng lỗ, đang phải đại hạ giá. Chẳng hạn như mẫu Mazda CX-5, phiên bản cũ đang được ưu đãi lên tới 100 triệu đồng; Chevrolet Trailblazer giảm 100 triệu đồng; Mitsubishi Pajero Sport phiên bản Diesel 4x2 MT giảm 92,5 triệu đồng,...

Mức giá giảm phổ biến với nhiều mẫu xe hiện nay là từ 40-80 triệu đồng. Cụ thể như Toyota Wigo bản số tự động giảm 40 triệu đồng; Toyota Altis giảm từ 60-80 triệu đồng tùy từng phiên bản; Vios giảm 50-60 triệu đồng; Honda Civic giảm 70 triệu đồng; Honda city giảm 40-50 triệu đồng; Mazda 3 giảm 70 triệu đồng; EcoSport của Ford Việt Nam có mức giá giảm tới 60-73 triệu đồng tùy từng phiên bản.

Xe giảm giá mạnh khiến các đại lý kêu trời vì thua lỗ. Một đại lý Mazda thừa nhận giá xe giảm sâu khiến cạnh tranh rất gay gắt nên không có lãi. Chẳng hạn, giá CX-5 có nhiều đối thủ cùng phân khúc đang đua nhau giảm để giành khách nên Mazda phải giảm theo. Tuy nhiên, giảm giá mạnh thì thua lỗ, không giảm thì khó bán.

Một số đại lý mong được như cuối năm ngoái, khi đó nhiều mẫu xe ăn khách thiếu hàng giá tăng cao.

Các đại lý của Toyota Việt Nam cũng than thở, trước xe Toyota vốn giữ giá, chưa bao giờ phải giảm mạnh như hiện nay. Từ Toyota Wigo đến Vios, Altis, Innova,... cũng phải “xuống thang” giảm theo, mà nhiều xe vẫn khó bán, doanh số giảm so với cùng kỳ.

Hàng tồn kho lớn, trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, lợi nhuận trong lĩnh vực bán lẻ ô tô năm nay sẽ không được tốt như năm 2018, cho dù doanh số bán tăng cao.

Hy vọng cuối năm gỡ gạc

Kinh doanh khó khăn, bán xe không lợi nhuận nên các đại lý hy vọng vào vụ cuối năm, nhu cầu về ô tô tăng mạnh sẽ gỡ gạc lại. Thường thì từ tháng 8 âm lịch đến Tết Nguyên đán, nhu cầu về ô tô sẽ tăng cao. Khi đó, không còn chuyện giá xe giảm tới cả trăm triệu nữa, các đại lý sẽ đỡ thua lỗ. Một số đại lý mong được như cuối năm ngoái, khi đó nhiều mẫu xe ăn khách thiếu hàng giá tăng cao.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy luật này năm nay khó lặp lại. Dự báo ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn đều đặn về nước từ 10.000-14.000 xe/tháng. Ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có thêm VinFast “nhập cuộc” với gần 10.000 xe/tháng.

Cùng với đó, hàng tồn từ các đại lý vẫn cao, vì vậy cho dù nhu cầu về ô tô từ sau tháng 7 âm lịch, đến cuối năm có tăng cũng không bị thiếu. Nguồn cung lớn với mẫu mã phong phú, giá cả hợp lý, cạnh tranh mạnh mẽ thì giá bán khó tăng.

Hơn nữa, ô tô giá giảm mạnh nên những khách hàng có nhu cầu đã mua xe ngay, không có ý định chờ đến giáp Tết để phải chịu tình cảnh “bia kèm lạc”. Vì vậy, nhu cầu ô tô vào thời điểm cuối năm dự báo sẽ không tăng cao dẫn đến thiếu xe.

Có thể, giá xe không còn nằm ở dưới đáy như hiện nay, sẽ nhích lên, nhưng cũng khó có thể tăng mạnh tới cả trăm triệu đồng như với nhiều mẫu xe thời điểm cuối 2018.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP