Kinh tế

Giá xăng dầu tăng, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn do giá xăng dầu tăng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, có 80 - 90% doanh nghiệp xe khách liên tỉnh đã kê khai tăng giá cước với mức tăng từ 10 - 15% - Ảnh: HÀ QUÂN

Báo cáo Thủ tướng về đánh giá những tác động của biến động giá nhiên liệu đối với giá dịch vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho biết giá xăng dầu đã tăng 27% so với đầu năm và 50% so với giá xăng bình quân năm 2021.

Chi phí nhiên liệu thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải (bình quân 35 - 50% tùy theo phương thức vận tải và giá nhiên liệu đầu vào) nên việc tăng giá xăng dầu tạo áp lực rất lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách trên cả nước.

Đối với vận tải đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% chi phí hoạt động nhưng với giá xăng dầu hiện nay, chi phí này lên tới 40 - 45%. Do vậy, trong tháng 2 và 3-2022, khoảng 80 - 90% doanh nghiệp xe khách liên tỉnh đã kê khai tăng giá cước với mức tăng từ 10 - 15% (tùy theo cự ly tuyến), giá cước chở hàng bằng ôtô cũng tăng từ 7 - 10%. Còn xe buýt tại các đô thị được trợ giá nên giá vé ổn định nhưng giá nhiên liệu sẽ làm tăng chi phí trợ giá.

Theo kế hoạch năm 2022 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%. Do giá nhiên liệu tăng, hiện nay tỉ lệ này đã lên đến 29% và làm tăng chi phí vận tải lên 15 - 20% so với kế hoạch ban đầu. Dù vậy, giá vé tàu hỏa vẫn giữ ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu nhằm thu hút hành khách đi tàu, chỉ tăng cước chở hàng bằng tàu hỏa từ 3 - 5%.

Với đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu hiện nay đang chiếm khoảng 45 - 50% chi phí vận tải và 32 - 35% giá dịch vụ vận tải. Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Với vận tải biển, giá nhiên liệu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng chi phí, khoảng 35 - 45%. Tuy nhiên, giá cước vận tải biển quốc tế đã tăng từ cuối năm 2020 khi dịch COVID-19 và đạt đỉnh vào tháng 9-2021 rồi giảm dần. Đến thời điểm này, hầu hết các hãng tàu chưa tăng giá cước vận tải theo giá nhiên liệu. Dù vậy, có một số hãng tàu đã tăng phụ thu giá nhiên liệu từ tháng 3-2022 (như hãng tàu Yangming, hãng tàu SITC).

Theo báo cáo của các hãng hàng không, hiện nay chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng khoảng 30 - 42% tổng chi phí chuyến bay của các hãng. Do giá nhiên liệu máy bay Jet A1 tăng cao, các hãng hàng không đã đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa.

Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn này, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai một số nội dung sau:

Bộ Tài chính xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

UBND các địa phương xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng.

Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không.

Các bộ, ngành khẩn trương triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế theo nghị quyết của Chính phủ, ưu tiên doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.

Tác giả: TUẤN PHÙNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP