Pháp luật

Giả danh bác sĩ bệnh viện quân đội để bán thuốc, lừa gần 50 tỉ đồng

Trên 7.000 người bệnh tiểu đường, huyết áp bị nhóm thanh niên giả danh bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng.

Một bị can làm việc với cơ quan điều tra - Ảnh: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN BẮC NINH

Theo thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du, Bắc Ninh, cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố thêm 10 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ lừa đảo gần 50 tỉ đồng của hơn 7.000 bị hại.

Tất cả các bị can đều dưới 30 tuổi, trú tại nhiều địa phương như Hà Nội, Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình, người trẻ nhất mới 21 tuổi.

Trước đó, đầu tháng 10, Công an huyện Tiên Du, Bắc Ninh và Phòng PA05 Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành chuyên án với nhóm người sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du, từ tháng 5-2022, Phạm Viết Trung (28 tuổi, trú Hoa Lư, Ninh Bình) thuê một tầng tại Thanh Xuân, Hà Nội làm văn phòng.

Sau đó, Trung thuê nhiều thanh niên làm việc và giả danh các đơn vị của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Mục đích nhằm lừa bán thuốc, thực phẩm chức năng cho người bệnh.

Đến đầu tháng 10-2022, Trung đăng ký thành lập Công ty CP dược phẩm SPARTA, đặt trụ sở tại Thanh Trì, Hà Nội. Công ty này do Trung làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc quản lý điều hành.

Bên cạnh đó, Phạm Viết Trung chia nhóm thành các đội kinh doanh riêng. Tuy nhiên, mô hình các nhóm là tạo fanpage Facebook giả mạo như "Bệnh viện quân đội 108 - Chuyên khoa nội tiết" hoặc "Bệnh viện quân y 103".

Để lấy lòng tin, các fanpage đều đăng tải hình ảnh, bài viết, nội dung liên quan đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103.

Tang vật với nhiều thùng thuốc, thực phẩm chức năng, con dấu giả - Ảnh: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN BẮC NINH

Do vậy, nhiều người bệnh lầm tưởng đây là fanpage của bệnh viện nên để lại thông tin, số điện thoại để được hỗ trợ.

Sau đó, nhân viên của Trung sẽ gọi điện, giả danh bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hoặc Bệnh viện Quân y 103 để tư vấn, chào mời mua liệu trình điều trị tiểu đường, huyết áp. Bên cạnh đó, các bác sĩ giả này còn thông tin thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền nên hiệu quả, giá cao.

Cơ quan chức năng thống kê từ tháng 6-2022 đến nay, Trung và các bị can khác đã thực hiện hành vi chiếm đoạt với số tiền gần 50 tỉ đồng bằng thủ đoạn giả danh bác sĩ trên.

Số bị hại đã vượt ngưỡng 7.000 người. Trong đó, các nạn nhân tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra.

Tác giả: Hà Quân

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP