Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 2.151.199 ca nhiễm ncoV và 143.725 người đã chết tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ. 541.501 người đã hồi phục.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 667.225 ca nhiễm và 32.686 ca tử vong. Nước này đã thực hiện hơn 3,4 triệu xét nghiệm nCoV, cao hơn bất kỳ quốc gia nào.
New York, bang chịu thiệt hại nặng nề nhất, ghi nhận thêm 8.505 ca nhiễm, đưa số ca nhiễm tại bang lên 222.284, trong đó hơn 14.000 người đã chết. Trước đó một ngày, New York ghi nhận tới 11.571 ca nhiễm mới.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 4.289 ca nhiễm và 503 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 184.498 và 19.135, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới. Chính quyền Madrid và Catalonia, hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề, cho biết số người chết thực sự có thể cao hơn hàng nghìn người so với số được công bố.
Quan chức Tây Ban Nha nói rằng dịch bệnh có vẻ đã ổn định so với 950 ca tử vong hàng ngày được ghi nhận ngày 2/4, song vẫn duy trì phong tỏa toàn quốc, có thể đến giữa tháng 5. Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp sản xuất và xây dựng hoạt động trở lại. Nhưng phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu không ra khỏi nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến 26/4.
Nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 bên ngoài khu điều trị đặc biệt ở Trung tâm Y tế Maimonides, quận Brooklyn, New York hôm 16/4. Ảnh: AFP. |
Italy báo cáo 3.786 ca nhiễm mới, cao hơn so với mức thấp kỷ lục 2.667 ca hôm qua, nâng tổng số người nhiễm lên 168.941. Nước này cũng ghi nhận thêm 525 ca tử vong, thấp hơn mức 578 ca hôm qua, nâng tổng số người chết lên 22.170.
Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào ngày 14/4, gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em. Các ngành khác được phép nối lại hoạt động bao gồm lâm nghiệp, chăm sóc và bảo tồn cảnh quan, công trình thủy lực, sản xuất máy tính, bán buôn sản phẩm giấy và bìa carton.
Pháp ghi nhận thêm 17.164 ca nhiễm mới và 753 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 165.027 và 17.920. Số bệnh nhân nhập viện giảm xuống 474 và bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt giảm 8 ngày liên tiếp.
"Sự lây lan của virus đang ở mức ổn định cao", quan chức y tế hàng đầu của Pháp Jerome Salomon hôm qua cho biết.
Pháp gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại nhưng quán cà phê, rạp chiếu phim và địa điểm văn hóa tiếp tục ngừng hoạt động, sẽ không có lễ hội mùa hè cho đến ít nhất là giữa tháng 7.
Số ca nhiễm và tử vong ở Đức là 137.698 và 4.052 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 2.945 và 248 ca. Đức bắt đầu nới lỏng hạn chế từ ngày 15/4, cửa hàng dưới 800 m2 được phép mở cửa nếu có "kế hoạch duy trì vệ sinh". Lệnh cấm tụ tập hơn hai người ở nơi công cộng vẫn được áp dụng, ngoài các thành viên gia đình sống cùng nhau.
Trường học sẽ dần được mở cửa trở lại. Trong khi đó, các sự kiện công cộng lớn tiếp tục bị cấm cho đến ngày 31/8. Chính phủ kêu gọi mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài mua sắm hoặc trên phương tiện giao thông công cộng nhưng không ra quy định bắt buộc như nước láng giềng Áo.
Chính phủ Anh hôm qua quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nước này hiện ghi nhận 103.093 ca nhiễm và 13.729 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 4.617 và 861 ca.
"Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm bây giờ là nới hạn chế quá sớm", Ngoại trưởng Dominic Raad, người đang thay Thủ tướng Boris Johnson chủ trì các cuộc họp về Covid-19, cho hay.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 77.995 ca nhiễm và 4.869 ca tử vong. Nước này ghi nhận thêm 1.606 ca nhiễm và 92 ca tử vong trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100.
Iran đã đóng cửa trường học, hoãn các sự kiện lớn và áp đặt một loạt hạn chế khác nhưng không phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước khác. Nhiều người suy đoán số liệu thực sự có thể cao hơn nhiều thống kê chính thức.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất với 5.660 ca nhiễm và 362 ca tử vong. Indonesia hôm nay báo cáo thêm 380 ca nhiễm và 29 ca tử vong do nCoV, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 5.516 và 498, trở thành nước ghi nhận số người tử vong do nCoV cao nhất Đông Nam Á.
Singapore ghi nhận ca nhiễm mới cao kỷ lục với 728 trường hợp, đưa số ca nhiễm lên 4.427. Số người chết tại Singapore không tăng trong 4 ngày qua.
Singapore ban hành nhiều biện pháp để ngăn nCoV lây lan như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu tới 4/5. Dân chúng phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, những người vi phạm sẽ bị phạt 300 SGD (khoảng 210 USD) lần đầu và 1.000 SGD (700 USD) lần hai, có nguy cơ bị truy tố nếu tái phạm nhiều lần.
Tác giả: Huyền Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress