Kinh tế

Gần 100 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, nửa đêm quản lý thị trường đe rút giấy phép

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thu hồi giấy phép thương nhân bán xăng vi phạm.

Một cửa hàng đông người mua xăng dù không phải giờ cao điểm

Đêm 9-10, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo khẩn Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Trước những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong thời gian qua, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã có những chính sách điều hành giá nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đối với các loại hình thương nhân.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Nam vẫn xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo quyết liệt để ổn định tình hình; chỉ đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh có giải pháp xử lý ngay việc hơn 50 cửa hàng xăng dầu hết hàng, ngưng bán.

Sở Công Thương TP HCM cho biết, các cửa hàng này chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không theo chuỗi và nguồn lực có giới hạn nên khó cân đối, bù đắp chi phí.

Để khắc phục, Sở Công Thương TP HCM cho biết đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn tăng cường nhập hàng để cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ. Riêng đêm 9-10, Petrolimex thành phố sẽ huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các tất cá hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ đạo, kiên quyết kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm khắc, thu hồi giấy phép thương nhân xăng dầu vi phạm theo quy định của pháp luật, dù họ là ai.

Trên cơ sở đó, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đã có văn bản chỉ đạo "nóng" trong đêm muộn, yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu), yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên Giấy xác nhận đủ điều kiện, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn;

Tập trung việc giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định;

Thủ trưởng cơ quan QLTT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Các đơn vị nghiêm túc triển khai, báo cáo tình hình kết quả thực hiện về Tổng cục QLTT theo quy định để báo cáo Lãnh đạo Bộ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về Tổng cục để thống nhất chỉ đạo.

Thông điệp của Tổng cục QLTT được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt cửa hàng xăng dầu đồng loạt đóng cửa hoặc bán cầm chừng 20.000-30.000 ₫ồng/lít, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Người mua xăng dồn về các cửa hàng còn mở cửa và hỗn chiến còn xảy ra tại 1 cây xăng khi lượng người xếp hàng quá đông dẫn tới tranh chấp.

Tại một số địa phương miền Bắc, nhiều cây xăng cũng đông người bất thường vào cả những giờ không cao điểm.

Nguyên nhân các cây xăng đóng cửa hoặc bán cầm chừng được cho là bởi công thức tính giá xăng dầu đang "có vấn đề" nên thương nhân bán lẻ càng bán càng lỗ hoặc do nguồn cung từ đầu mối giảm sút.

Nhiều ý kiến cho rằng, lúc này cơ quan điều hành cần sớm có giải pháp cho nguồn cung xăng dầu và điều chỉnh cách tính giá bán lẻ xăng dầu để ổn định thị trường thay vì kiểm tra hoặc đưa ra "giải pháp tình thế" là huy động xe bồn cấp xăng giữa đêm.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP