Lực lượng QLTT kiểm tra cửa hàng xăng dầu |
Bản kiến nghị do ông Giang Chấn Tây- Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh đại diện đứng đơn.
Đơn kiến nghị cho rằng: “Việc điều hành của Liên bộ Công Thương-Tài chính thời gian qua có vấn đề nên gây ra bất lợi đến doanh nghiệp dẫn đến bất ổn thị trường”.
Dẫn quy định tại Nghị định 95, đơn kiến nghị cho biết: “Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố”.
Tuy nhiên, do cách điều hành của Liên bộ nên xảy ra tình trạng chiết khấu âm. Do đó, các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.
Cụ thể, doanh nghiệp phân phối thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không (0đ), nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.
“Chúng tôi có đủ chứng từ hoá đơn kèm theo chứng minh sự việc này”- đơn kiến nghị khẳng định.
Theo ông Giang Chấn Tây, việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu nhưng nếu làm theo tư duy luôn kìm hãm giá, muốn người dân mua hàng giá thấp hơn giá thị trường, “lấy đó làm thành tích quản lý” là không phù hợp với tình hình hiện nay.
Quan điểm điều hành này dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, khiến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra và thị trường nảy sinh bất ổn. Trên thực tế, một số doanh nghiệp xăng dầu đã đóng cửa trong thời gian qua.
Văn bản kiến nghị cũng viết: “Việc Liên bộ điều hành yếu kém dẫn đến ép buộc doanh nghiệp bán lỗ là một hình thức cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, bức tử doanh nghiệp, trái với quy luật tự nhiên, gây bất ổn thị trường và dư luận xấu đến quản lý nhà nước!”.
Vị đại diện này kiến nghị, khi xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu như hiện nay.
Từ thực tế trên, các doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị về phía Liên bộ điều hành xăng dầu cần lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bán lẻ.
Đồng thời, Liên bộ Công Thương - Tài chính và Chính phủ nên có sự liên kết và có chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Phía doanh nghiệp cũng cho rằng giá bán lẻ hiện nay không phải là giá trần vì giá trần thì phải có giá sàn để doanh nghiệp điều chỉnh giá trong biên độ cho phép.
“Giá bán lẻ hiện nay là giá bị áp đặt, đến độ giá mua còn lớn hơn giá bán thì không thể gọi là giá sàn và giá trần”- đơn kiến nghị phân tích.
Hai là doanh nghiệp kiến nghị cần đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu; Thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí và xa rời thực tế dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ.
“Lẽ ra giá thế giới giảm thì cộng đồng doanh nghiệp và người dân hưởng lợi mới đúng nhưng chỉ vì công thức sai nên dẫn đến hỗn loạn, đứt nguồn và thua lỗ”- đơn kiến nghị nêu.
Giá cơ sở cần xác định chi tiết và thực tế hơn bằng cách bắt buộc các công ty đầu mối và các nhà máy lọc dầu báo cáo giá thành xăng dầu cho Liên bộ thường xuyên theo định kỳ để tính giá thành bình quân theo thực tế của các đơn vị này làm cơ sở so sánh đối chiếu, làm hệ số quy đổi tính toán đưa ra quyết định giá bán lẻ.
Tuy nhiên, phải đảm bảo giá bán lẻ không thấp hơn giá thành bình quân của các đơn vị này để đảm bảo doanh nghiệp có lãi thực trên cơ sở giá thành bình quân chung. Giá thành này là giá thực tế dùng để hạch toán trên sổ sách kế toán và báo cáo thuế, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, không phải giá tạm tính.
Bốn là, các doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỷ lệ không nhỏ hơn 6-7%/giá bán mỗi lít xăng dầu; Áp dụng theo tỷ lệ chứ không áp dụng theo số tiền cụ thể để nếu sau này giá xăng dầu tăng, giảm thì vẫn áp dụng ổn định.
Ngược lại nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.
Cuối cùng, các doanh nghiệp kiến nghị nên loại bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì không khách quan. Thay vào đó, nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ doanh nghiệp theo dõi được rõ ràng hơn, bởi lẽ doanh nghiệp “đang không có ăn mà Liên bộ lại đem để dành”.
Sớm điều chỉnh phụ phí kinh doanh xăng dầu Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Liên bộ Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất, sớm nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất có thể, qua đó góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ. Từ đó cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. |
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: anninhthudo.vn