Dạo quanh khu phố Rue de Tolbiac, có khoảng 5-7 tiệm ăn đề chữ Việt Nam cạnh tiếng Pháp. Tuy nhiên, tìm được quán đúng hương vị phở Việt không phải là điều dễ dàng, bởi không ít người gốc Hoa cũng bán phở, món ăn vốn được các thực khách Pháp và khách du lịch hỏi rất nhiều.
Sau một hồi sàng lọc, chúng tôi tìm đến quán Phở 126 với khá nhiều món ăn Việt hấp dẫn cùng bảng giá mềm hơn các tiệm ăn khác. Lúc đó đã là 18h30 nhưng quán vẫn vắng hoe. Thì ra, người Pháp có thói quen ăn tối khá muộn nên nhiều quán chỉ mở sau 19h.
Sau một hồi sàng lọc, chúng tôi tìm đến quán Phở 126 với khá nhiều món ăn Việt hấp dẫn cùng bảng giá mềm hơn các tiệm ăn khác. Lúc đó đã là 18h30 nhưng quán vẫn vắng hoe. Thì ra, người Pháp có thói quen ăn tối khá muộn nên nhiều quán chỉ mở sau 19h.
Các quán ăn Việt ở nước ngoài cũng là sợi dây kết nối văn hóa và ẩm thực Việt với bạn bè quốc tế.
Chủ quán là một thanh niên da trắng với khuôn mặt thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, cử chỉ chu đáo. Hỏi ra mới biết anh tên Nhàn, tiệm ăn của anh đã mở ở đây được khoảng 5-6 năm.
Trong số các món ăn Việt Nam, phở, gỏi cuốn vẫn là 2 món được các vị khách ngoại quốc yêu thích nhất. Và chúng tôi cũng quyết định thử hai món này để nhớ về hương vị quê hương trên đất khách.
Tô phở nóng hổi mà chủ tiệm bê ra khá hấp dẫn, bởi nhìn màu nước dùng là biết chủ nhà đã ninh nhiều xương và rất kỹ mới có được nồi nước phở màu vàng nhẹ, trong, hơi sánh mỡ và vị rất đậm đà.
Chủ quán đã bán phở từ 5-6 năm nay và được nhiều thực khách quốc tế khen ngợi.
Cách trình bày bát phở của chủ quán lại vừa giống phở Hà Nội, vừa giống phở Nam Định, cũng có rau mùi, hành lá, hành tây và thêm một chút rau húng thơm, giống húng bạc hà ở Việt Nam. Ngoài ra chủ nhà còn kèm 1 bát phở một đĩa giá sống, một chút rau mùi, rau húng, rau mùi tàu, một phần tư quả chanh.
Bát phở này (giá 7 euro, khoảng 180.000 đồng) to gấp đôi bát phở ở Hà Nội nên người bình thường chỉ cần ăn một bát đã no. So với bát phở chúng tôi từng ăn khi tác nghiệp tại Olympic 2012 trong quán Pho Street, thuộc khu ẩm thực, nằm trong Westfield, London thì phở Việt tại Pháp có vẻ gần với phở bản xứ hơn về mùi vị và hình thức.
Ở Anh, các đầu bếp Tây cũng bày kèm bát phở một đĩa giá và cho thêm rau húng chó (loại rau thơm chuyên dùng ăn cùng với thịt chó, thịt vịt, ngan), hơi xa lạ với phở truyền thống của Việt Nam (nếu dùng thêm rau húng sẽ là húng thơm hay còn gọi là húng quế).
Ở Singapore, trong dịp tác nghiệp tại SEA Games vừa qua, chúng tôi cũng ghé qua hệ thống quán Nam Nam, ăn phở Việt và ở đây phở Việt đã được biến tấu khi cho thêm... rau răm vào. Đây là loại rau gia vị chủ yếu được người Việt dùng để ăn với trứng vịt lộn hoặc khi nấu bún thang, miến lươn... và hiếm khi dùng với phở.
Còn ở Đồng Xuân Center, do bà con người Việt chung tay gây dựng tại Berlin, Đức và giờ đã trở thành trung tâm thương mại bán những mặt hàng bình dân khá lớn gồm toàn người Việt, thì phở cũng mang hương vị khác. Chúng tôi ăn phở trong một quán do người gốc Nam Định mở, nhưng hương vị và cách trình bày thua xa bát phở đúng chất thành Nam.
Thưởng thức phở Việt bên thềm Euro 2016 là trải nghiệm thú vị.
Thế nhưng trong bối cảnh Euro đang nóng hầm hập tại các sân vận động và sau nhiều ngày thưởng thức đồ ăn Tây, được ăn một bát phở Việt nóng hổi, dậy mùi thơm của quế, hoa hồi, thảo quả, hành mùi… thì còn gì bằng.
Chúng tôi cũng nghe nỗi niềm của bà con Việt kiều tại Pháp ở xa quê. Họ cập nhật tin tức thời sự mỗi ngày và thường hỏi chuyện rau, thịt ở nhà ăn như thế có nguy hiểm không? Chúng tôi chỉ biết cười, "thì chúng tôi vẫn khỏe mạnh sang Pháp xem Euro đấy thôi".
Sau một bát phở ngon, nhận ra đồng hương, chủ quán vui mừng pha thêm một ấm trà và đĩa nho khô đãi khách. Khi trà được rót ra, mùi hương nhài thoang thoảng, làm chúng tôi nhớ da diết quê mẹ, với những bông nhài nhẹ nhàng, trắng muốt, thơm tinh khiết.
Một bát phở thuần Việt, một chén trà ướp hoa nhài giữa lòng Paris cũng là điểm nhấn thú vị trong những ngày Euro 2016 nóng hổi.
Tác giả bài viết: Hà Vi (từ Paris, Pháp)
Nguồn tin: