Giáo dục

Duyên sư phạm của nữ giảng viên trẻ từng đến 29 nước

Từng trải nghiệm nhiều công việc khác nhau: thời trang, bất động sản, nhân sự..., thế nhưng, Nguyễn Trần Phi Yến lại quyết định gắn bó với nghề sư phạm.

Nguyễn Trần Phi Yến - giảng viên lấy kinh nghiệm hoạt động thực tiễn chia sẻ cho sinh viên Ảnh: NVCC

Trên giảng đường, Phi Yến luôn truyền cảm hứng cho sinh viên qua các bài giảng thực tế từ những chuyến đi trải nghiệm của chính mình.

Tâm thế của người phục vụ

Khi học tại Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Phi Yến luôn trăn trở: “Mình là ai và làm được gì?”. Khoảng thời gian ba năm đầu đại học, chị vạch ra những ngành nghề yêu thích. Phi Yến chủ động tìm những việc làm bán thời gian hoặc thực tập hè trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau: nhà hàng khách sạn, thời trang và nhân sự tại ngân hàng. Khi trực tiếp làm, chị mới biết rằng, bản thân chỉ thích thôi và các công việc trải nghiệm không phù hợp, chưa tìm được định hướng lâu dài.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Phi Yến đảm nhận công việc tại công ty bất động sản Anh quốc tại Việt Nam trong một năm và tiếp tục học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại ĐH Gloucestershire (Anh).

Nguyễn Trần Phi Yến tại “Hội nghị lãnh đạo quốc tế 2015 của UNESCO” tổ chức (tại Cape Town, Nam Phi).
Đến năm 2012, chị hoàn thành chương trình học và trở về Việt Nam, quyết định theo đuổi công việc giảng dạy tại Khoa Quan hệ quốc tế (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM). Chị cho biết: “Mình cố gắng thử nhiều công việc khác nhau để hiểu bản thân phù hợp với ngành nghề nào và chọn hướng đi lâu dài. Khi trở về nước, mình may mắn có cơ hội thử nghiệm công việc giảng viên và cảm thấy thực sự yêu thích. Nghề sư phạm đến với mình vừa là sự lựa chọn của bản thân và như một cái duyên. Từ kinh nghiệm bản thân, mình mong muốn chia sẻ cho sinh viên những kiến thức thực tiễn để định hướng và phát triển nghề nghiệp tốt hơn”.

“Mình nghĩ rằng, giảng viên giống như người cung cấp dịch vụ và sinh viên là khách hàng. Mình luôn tạo mối quan hệ bình đẳng giữa giảng viên và sinh viên. Ở đây, bình đẳng là sự tử tế, tôn trọng giữa giảng viên và sinh viên. Mình đặt tâm thế của người phục vụ để giúp sinh viên không phải khúm núm hay e dè khi làm việc với mình. Khi có thắc mắc, các bạn có thể góp ý qua email, tương tác qua mạng xã hội… Mình lắng nghe và giải đáp cho các bạn. Từ đó, thầy và trò sẽ hiểu nhau và học tập tốt hơn”, Phi Yến tâm sự.

Phi Yến đứng lớp chia sẻ chuyên đề về các kiến thức kỹ năng, định hướng nghề nghiệp đến sinh viên
Phi Yến (giữa) luôn gần gũi, tạo mối quan hệ bình đẳng với các bạn sinh viên

Đi để học hỏi

Thời gian 4 năm đại học, chị tích cực tham gia các hoạt động trong trường và mong muốn được phát triển hơn nữa. Vì thế, chị lấy kinh nghiệm từ các hoạt động trong nước để xây dựng tốt hồ sơ ứng tuyển. Và chị nhận được lời mời tham gia các chương trình, hội nghị quốc tế như: Diễn đàn lãnh đạo trẻ toàn cầu 2010 (do UNESCO tổ chức) tại Mỹ, Hội nghị lãnh đạo quốc tế 2015 (do UNESCO tổ chức) tại Nam Phi, khóa học quản lý tại ĐH Stanford (Mỹ)...

Tại hội nghị “Diễn đàn lãnh đạo trẻ toàn cầu” do Liên Hiệp Quốc tổ chức, chị là một trong những đại biểu trẻ tuổi nhất so với 100 đại biểu đến từ các quốc gia khác nhau. “Những ngày đầu, mình có cảm giác rụt rè và chỉ dám quan sát xung quanh, trò chuyện với một vài người bạn châu Á. Đến ngày thứ 3, mình mạnh dạn và chủ động làm quen với những người bạn quốc tế. Mình bắt đầu trò chuyện với họ qua lời chào: “Tôi là Yến đến từ Việt Nam” và hỏi thăm rằng: “Câu chuyện của bạn là gì?". Sau những chuyến đi, mình gạt bỏ nỗi sợ hãi, đăng ký tham gia nhiều chương trình mở rộng tầm nhìn, kiến thức và học được điều hay từ bạn bè quốc tế”, chị chia sẻ.

Phi Yến tham gia chương trình, giao lưu cùng bạn bè quốc tế
Nữ giảng viên còn có sở thích du lịch trải nghiệm đến vùng đất mới.
Hiện tại, chị đã đặt chân đến 29 quốc gia ở 4 châu lục khác nhau. Khi đến vùng đất mới, song song với việc tận hưởng trải nghiệm du lịch, chị dành thời gian tham gia hội nghị, triển lãm, tham quan doanh nghiệp… để tìm hiểu về kinh tế và văn hóa của đất nước đó. Đối với chị, du lịch trải nghiệm không chỉ có ăn ngon, cảnh đẹp… mà còn tích góp kiến thức mới. Càng đi nhiều, chị luôn tự hỏi: “Đất nước bản địa có điều gì mới để học hỏi không nhỉ?”. Những chuyến đi, chị có cơ hội tiếp xúc, quan sát công việc của những người bạn mới. Từ đó, chị cảm thấy giới hạn bản thân dần mở rộng, tư duy thay đổi, giúp rèn luyện chuyên môn giảng dạy tốt hơn.

Trên giảng đường, Phi Yến luôn lấy câu chuyện trải nghiệm chính mình và bạn bè để lồng ghép vào bài học như: Cách tạo mối quan hệ, đặt câu hỏi với người lạ, cách trao đổi danh thiếp hay bắt đầu câu chuyện làm sao chuyên nghiệp… “Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các bạn sinh viên nên chủ động tham gia các hoạt động xã hội phù hợp sở thích bản thân. Ban đầu, các bạn nên tham gia các hoạt động trong khoa, trong trường. Khi có kinh nghiệm, sinh viên ứng tuyển tham gia chương trình, hội nghị giao lưu quốc tế. Trong học tập, mỗi sinh viên cần xây dựng tốt các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý vấn đề… Các bạn nên xem 4 năm đại học giống như công việc toàn thời gian. Thầy cô có thể là “sếp”, bạn bè là đồng nghiệp. Các kỳ thi, hoạt động ngoại khóa… cũng giống như kế hoạch công việc cần giải quyết. Từ đó, các bạn sẽ dành thời gian để học mọi thứ một cách nghiêm túc, thực tế hơn cũng như định hướng sớm nghề nghiệp sau này”, Phi Yến tâm sự.

Những hoạt động, thành tích nổi bật của nữ giảng viên Nguyễn Trần Phi Yến:

- Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự “Diễn đàn lãnh đạo trẻ toàn cầu tại Tổng hành dinh Liên Hiệp Quốc” (diễn ra tại New York, Mỹ), năm 2010.

- Tình nguyện viên Quốc tế của “SEALNet” tại Philippines, năm 2012.

- Là đại diện của Việt Nam tham gia Hội nghị do UNESCO Chair tổ chức tại Nam Phi, tháng 6.2015.

- Là người sáng lập công ty huấn luyện kỹ năng, cộng đồng “The Makers”. Đồng thời, chị là diễn giả, khách mời tại nhiều hội thảo trong nước và quốc tế…

Tác giả bài viết: An Nhơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP