Tuyến đường N5 nằm trong tuyến đường nối từ Quốc lộ 7, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương tới xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) do Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư. Tuyến đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có chiều dài gần 5km, với tổng mức đầu tư trên 758 tỷ đồng.
Xe hổ vồ đi nhiều là nguyên nhân khiến đường nhanh hỏng. Ảnh: Doãn Hòa |
Hiện tại đường N5 mới thi công xong một chiều đường phía Bắc và thảm đến lớp bê tông nhựa hạt trung. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển vật liệu của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam xuống trạm nghiền Nghi Thiết, ngày 30/4 vừa qua, tuyến đường này đã được thông xe kỹ thuật.
Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho khai thác tạm trên phần đường đã thông xe dù chưa hoàn thiện.
Sau hơn hai tháng thông xe kỹ thuật, do chưa thi công hoàn chỉnh lớp mặt bê tông nhựa polymer bề mặt nên khi khai thác tạm đã xảy ra tình trạng hư hỏng bề mặt bê tông nhựa trên một số đoạn.
Ngày 14/7, theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn tuyến km2+600 tới km2+900 bị hư hỏng nặng với lớp bê tông nhựa bị hư hỏng bong tróc nham nhở, nhiều đoạn xuất hiện tình trạng nứt nẻ, ổ gà kéo dài cả trăm mét.
Những đoạn hỏng đang được đơn vị thi công hạ cao độ nền đường và bổ sung vật liệu để làm lại. Ảnh: T.Châu |
Theo người dân địa phương, tình trạng hư hỏng tuyến đường N5 mới xuất hiện thời gian gần đây, nặng nhất là đoạn qua 2 xã Nghi Đồng và Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc.
Mặc dù mới thông xe nhưng người dân thường xuyên thấy đơn vị thi công liên tục phải cào bóc, vá lại những đoạn bị hư hỏng nặng. Nhiều khu vực được sửa chữa nhưng không có biển cảnh báo, tấm phản quang vào ban đêm, tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam - chủ đầu tư dự án, công trình thi công chưa hoàn chỉnh theo thiết kế được phê duyệt do khó khăn vướng mắc về nguồn vốn nhưng do yêu cầu nên tuyến đường đã đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ vận chuyển của Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam và các loại phương tiện khác nên đường bị hư hỏng khoảng 300m.
Nguyên nhân hư hỏng được đánh giá do công trình hiện chưa được thi công lớp mặt bê tông nhựa polymer nên cường độ mặt đường chưa đạt yêu cầu theo thiết kế.
Về phương án khắc phục, ông Lê Đình Quang - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án Khu kinh tế Đông Nam cho biết, với các vị trí mặt đường bị hư hỏng sẽ cho hạ cao độ nền đường tối thiểu 1,2m; bổ sung 30cm cát hạt trung bọc vải địa kỹ thuật để thoát mạch nước ngầm từ trong núi ngấm ra đường; bổ sung 30cm đất K98 để hạn chế mạch nước ngầm rồi mới thi công lớp mặt bê tông nhựa hoàn chỉnh.
Mặt đường đang phải sửa chữa nham nhở. Ảnh: Trân Châu |
Phía Ban Quản lý các dự án Khu kinh tế Đông Nam cũng kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát tải trọng xe để đảm bảo chất lượng công trình trong quá trình thi công hoàn thiện.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cho biết, do tuyến đường chỉ mới thông xe kỹ thuật và đang trong giai đoạn thi công, chưa bàn giao nên trách nhiệm để xảy ra hư hỏng thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công. Nếu hư hỏng thì họ phải khắc phục, kể cả lúc bàn giao thì cũng phải chịu trách nhiệm bảo hành cho công trình./.
Tác giả: Nhóm P.V
Nguồn tin: Báo Nghệ An