Thể thao

Đừng phủ nhận bản sắc của bóng đá trẻ xứ Nghệ

Sau chức vô địch V.League 2011, bóng đá SLNA đang dần đánh mất vị thế so với các đội khác về mặt thành tích. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà phủ nhận bản sắc của bóng đá xứ Nghệ. Bởi nhìn cách mà những người làm bóng đá SLNA đang “liệu cơm gắp mắm” để duy trì các hệ thống từ đào tạo trẻ đến chuyên nghiệp, đó là một sự cố gắng.

trang6 96c CBWZ
CĐV hùng hậu và luôn hết mình là niềm tự hào của SLNA. Ảnh: Sóng Nghệ


Cạnh tranh nhọc nhằn

Trong những mùa giải gần đây, SLNA thường xuyên phải cạnh tranh suất trụ hạng một cách nhọc nhằn. Sau chức vô địch U.21 quốc gia năm 2014, bóng đá trẻ Nghệ An từ lứa U.11 đến U.21 không mang thêm được một chiếc cúp nào về sân Vinh. Họ vẫn chỉ giành những danh hiệu hạng nhì, hạng ba.

Phải thừa nhận rằng, thành tích chính là thước đo cơ bản nhất để đánh giá một đội bóng và một nền bóng đá. Nhìn vào bảng thách tích theo chiều mũi tên đi xuống này, có thể thừa nhận một điều rằng bóng đá xứ Nghệ đang kém về mặt danh hiệu. Còn thực tế họ có nên căn cứ vào đó để đánh giá bóng đá SLNA đang tuột dốc và thậm chí là đang “chết” không thì cần có một góc nhìn đúng bản chất hơn.

Thực tế, SLNA vẫn là lò đào tạo bóng đá trẻ thuộc vào loại top đầu của Việt Nam. Theo Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh: “Trong các hệ thống giải trẻ từ U.11 đến U.21, SLNA là một trong số nơi hiếm hoi tham dự đầy đủ, không sót giải nào. Hiện hệ thống nghiệp dư của chúng tôi có 17 điểm tại các huyện ở độ tuổi từ 9-10. Còn ở hệ thống đào tạo chuyên nghiệp từ lứa U.11 đến U.19, ăn ở tập trung có gần 200 VĐV”.

Cũng chỉ tại cái nghèo

Việc duy trì được một hệ thống đào tạo từ cấp độ trẻ đến chuyên nghiệp một cách thường xuyên và liên tục như vậy là một sự cố gắng trong bối cảnh bóng đá SLNA vẫn còn bị cái nghèo đeo đẳng. Chính điều này đã khiến hiện tượng “chảy máu” chất xám từ cả tuyến trẻ lẫn chuyên nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Dù SLNA không có được thành tích nhưng nếu nhìn rộng ra, tầm ảnh hưởng của bóng đá xứ Nghệ vẫn là điều cần ghi nhận. Thực tế, đội hình U.23 đến ĐT Việt Nam trong những năm gần đây, số cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo SLNA cũng chiếm số lượng áp đảo. Thậm chí, dưới thời HLV Hữu Thắng, có thời điểm cầu thủ xứ Nghệ chiếm quá nửa đội hình chính. Hay như các đội bóng từng vô địch V.League như Bình Dương cũng dựa một phần vào các trụ cột là người của lò Sông Lam.

Không thể phủ nhận, công tác đào tạo trẻ của SLNA đang bị các lò đào tạo như Viettel, VPF, Hà Nội hay HAGL cạnh tranh, thậm chí còn tốt hơn ở một khía cạnh nào đó. Thế nhưng, để duy trì một cách đồng bộ cả hệ thống từ tuyến trẻ đến chuyên nghiệp thì không phải CLB nào cũng làm được như SLNA. Bởi như Viettel hay VPF còn không có đội dự V.League.

Vấn đề thực sự thì bóng đá xứ Nghệ có phải đang “chết” được đặt ra với ông Nguyễn Hồng Thanh. Chủ tịch CLB SLNA chia sẻ rằng: “Nếu chỉ căn cứ vào thành tích mà nói cả một hệ thống bóng đá đang “chết” thì không thực sự đúng. Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng tôi vẫn duy trì tất cả các tuyến đào tạo trẻ một cách có hệ thống. Nhìn vào đội 1 SLNA, toàn bộ là từ tuyến trẻ đưa lên chứ không phải do mua bán như nhiều CLB khác.

Phải nói thế này, năm 2011, SLNA vô địch V.League một phần nhờ vào việc chúng tôi giữ lại được những cầu thủ tốt vì tài chính vững vàng. Nhưng sau đó chúng tôi đã không giữ chân được họ do gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc đội bóng không có được thành tích tốt.

Do vậy, bản chất của vấn đề ở đây là SLNA đang phải hoạt động theo chiến lược để khắc phục khó khăn, “liệu cơm gắp mắm” cho phù hợp. Bởi bóng đá SLNA vẫn còn nghèo, chúng tôi tồn tại và duy trì được như hiện tại cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ lớn của tỉnh và nhà tài trợ. Nếu SLNA có được nguồn kinh phí hoạt động như các đội bóng nhà giàu thì mọi chuyện đã khác. Tuy nhiên, sau tất cả thì SLNA vẫn giữ được bản sắc riêng của mình ở công tác đào tạo trẻ”.

Khán giả SLNA từng là niềm tự hào khi luôn tạo ra một bầu không khí cuồng nhiệt trên khắp các khán đài từ sân nhà đến sân khách. Tuy nhiên, số lượng này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây khi thành tích đội 1 không tốt. Tuy nhiên, theo ông Thanh thì đây là chuyện rất bình thường khi đội bóng không mang về thành tích tốt. Nhưng không vì thế mà nói rằng khán giả xứ Nghệ quay lưng với đội bóng, bởi dù không đông như các mùa giải trước nhưng đi sân khách vẫn chiếm số lượng áp đảo CĐV đối phương. Thực tế các trận đấu với Hà Nội, Bình Dương, TPHCM… đã chứng minh điều đó.

Tác giả bài viết: HOÀI ĐAN

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP