Lập tức, nhiều cầu thủ của ta lao vào phản ứng trọng tài - một hình ảnh thường thấy ở sân chơi V.League. Ngay cả khi cầu thủ Thái Lan chuẩn bị thực hiện quả phạt thì các cầu thủ Việt Nam vẫn phàn nàn, hục hặc, mà theo nhận xét của Calisto sau đó là "tự họ làm ức chế họ".
Kết quả là Thái Lan đá phạt nhanh, đưa quả bóng vào góc lưới thủ thành Dương Hồng Sơn một cách dễ dàng.
Giờ nghỉ giữa trận, Calisto hầm hầm tiến vào phòng thay đồ, đóng sầm cánh cửa, rồi la hét trong giận dữ: "Tại sao các anh không tập trung vào chống đỡ đối phương, mà chỉ tập trung vào việc tranh cãi với trọng tài? Hiệp 2, nếu ai còn như vậy nữa tôi sẽ đuổi khỏi sân ngay lập tức".
HLV Nguyễn Hữu Thắng cần nhắc nhở các học trò bớt vào bóng nguy hiểm với đối phương. Ảnh: H.M.
Sau trận đấu đó, khi ngồi với chúng tôi ở khách sạn Royal Phuket City, Calisto phân tích thêm: "Các cầu thủ quen với kiểu phản ứng trọng tài ở V.League rồi, và họ mang đúng thói quen đó đi đá giải quốc tế. Kết quả là thói quen đó đã làm hại họ".
Đấy là một ví dụ điển hình trong rất nhiều ví dụ về việc các cầu thủ Việt Nam thường mang "bệnh V.League" vào các trận đấu, mà ở đó trọng tài chính không phải là "trọng tài V.League", đối thủ của chúng ta cũng không phải là những "đối thủ V.League", để rồi tự mình làm hại chính mình.
2/Quan sát những trận đấu tập huấn trước thềm AFF Suzuki Cup 2016 vừa qua của thầy trò Nguyễn Hữu Thắng, phải thừa nhận có rất nhiều cái được, mà được nhất là ý chí, tinh thần thi đấu hết mình của các cầu thủ. Nhưng bên cạnh những cái được đó, cũng phải thẳng thắn nói với nhau, chúng ta đã bộc lộ một số "bệnh V.League", mà đáng sợ nhất là bệnh đá láo, đá ẩu.
Trận giao hữu mới nhất giữa Đội tuyển Việt Nam với CLB Avispa Fukuoka (Nhật Bản), có không ít tình huống cầu thủ ta vào bóng mạnh mẽ trên mức cần thiết. Nó không chỉ là "trên mức cần thiết" trong hệ quy chiếu của một trận đấu giao hữu, mà còn "trên mức cần thiết" trong khuôn khổ của luật lệ.
Điển hình nhất là tình huống trung vệ Quế Ngọc Hải vào bóng bằng gầm giày với một cầu thủ đối phương, khiến cầu thủ này lăn lộn nằm sân, và sau đó đã phải trực chỉ bệnh viện Cần Thơ chụp X Quang tức thời. Nếu đây không phải là một trận giao hữu, diễn ra ở Việt Nam, mà là một trận đấu chính thức ở AFF Suzuki Cup, chắc chắn Quế Ngọc Hải sẽ "ăn" thẻ đỏ, và Đội tuyển Việt Nam sẽ rơi vào cảnh thiếu người. Khi đó, khỏi nói ai cũng hình dung được, chúng ta sẽ thiệt đơn thiệt kép như thế nào.
3/Chứng kiến pha vào bóng của Quế Ngọc Hải với cầu thủ đối phương, nhiều người nhớ lại pha vào bóng tương tự của cầu thủ này với Anh Khoa (Đà Nẵng) tại V.League 2015, khiến Anh Khoa bị chấn thương đầu gối nghiêm trọng, đến tận lúc này vẫn chưa thể trở lại sân cỏ.
Sau pha vào bóng man rợ với Anh Khoa, Quế Ngọc Hải chia sẻ trên một kênh truyền hình: "Khi xem lại, tôi không tin đấy là mình nữa. Tôi không có ý". Tất cả những ai đã từng tiếp xúc với Quế Ngọc Hải, hiểu con người Hải, hẳn đều ít nhiều đồng cảm với chia sẻ ấy, rằng Hải "không có ý".
Ngay cả pha vào bóng mới nhất với cầu thủ Avispa Fukuoka cũng vậy, có nhiều cơ sở để tin rằng Hải cũng không cố ý làm đau đối thủ. Vấn đề nằm ở chỗ, đấy đã là thói quen của Hải. Một thói quen được tích tụ từ thời còn là một cầu thủ trẻ, và tiếp tục được hà hơi tiếp sức khi dấn thân vào cái đấu trường V.League mà nhiều lúc được người ta ví von như "một võ đài".
4/Tất cả những ai từng một lần xỏ giày ra sân đều hiểu bóng đá không phải môn đạo đức, cầu thủ cũng không phải là nhà đạo đức học, nên chuyện các cầu thủ va chạm với nhau, tạo ra những chấn thương nghiêm trọng là điều khó tránh. Nhưng khi một thói quen xấu cứ lặp đi lặp lại, từ cấp độ CLB đến cấp độ Đội tuyển Quốc gia, từ sân chơi V.League đến sân chơi quốc tế thì nó sẽ trở thành một mối nguy thực sự.
Mong là "bệnh V.League" ở Quế Ngọc Hải và một số cầu thủ Việt Nam sẽ được nhận diện một cách nghiêm túc, và được chữa trị bằng một liều kháng sinh đủ mạnh từ HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng lẫn những nhà chuyên môn có trách nhiệm ở VFF.
Bằng không, AFF Cup tới đây, chúng ta sẽ vừa phải trả những cái giá rất đắt ở góc độ chuyên môn, vừa tự biến mình thành những gã "thợ rìu" xấu xí trong sự phán xét của bạn bè khu vực.
Lời cảnh báo từ các nhà chuyên môn Xem xong trận giao hữu cuối cùng của Đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup năm nay với CLB Avispa Fukuoka (Nhật Bản), cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn đã bày tỏ những lo ngại lớn về lối chơi mạnh mẽ thái quá của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng. Ông cho biết: "Trong một trận giao hữu như thế này thôi, nhưng có ai để ý xem cầu thủ đội bạn đã phải bao nhiêu lần nhăn nhó, đau đớn nằm sân. Vào giải chính thức, mỗi lần như thế là một lần thẻ phạt được rút ra. Khi ấy chúng ta còn đủ người mà đá nữa không, nói gì đến chuyện thắng - hòa - thua?". Đồng cảm với ông Đoàn Phú Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Duy Ly thốt lên: "Chứng kiến pha vào bóng của Quế Ngọc Hải với cầu thủ đội bạn lại liên tưởng vụ năm trước. Thấy ghê ghê!". Cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải thì nói thẳng: "Quế Ngọc Hải không tự suy nghĩ, sửa cách vào bóng thô bạo đã trở thành thói quen thì thật đáng tiếc". (Ngọc Anh) HLV Nguyễn Hữu Thắng bảo vệ học trò Sau trận đấu với Avispa Fukuoka - trận đấu đầu tiên Công Phượng được đá chính trong màu áo Đội tuyển Quốc gia, đã có những ý kiến đánh giá cầu thủ này vẫn chơi bóng quá cá nhân. Và đặc biệt, những pha tiếp bóng, đẩy bóng dài của cầu thủ này cho thấy cảm giác bóng của anh vẫn chưa thật tốt. Tuy nhiên, HLV Nguyễn Hữu Thắng phản bác lại những quan điểm này vì theo ông thì: "Đã là tiền đạo, đôi khi phải đá cá nhân để gây đột biến". Ông Thắng còn khen Công Phượng ở cuối trận có nhiều pha tranh chấp nhiệt tình với đối phương. Nhà cầm quân người Nghệ An cho biết, ông hài lòng với màn tổng duyệt cuối cùng của các học trò trước thềm AFF Cup, và hy vọng khi vào giải, các chân sút có thể tận dụng cơ hội ăn bàn một cách tích cực hơn. Ngày mai, Đội tuyển Việt Nam sẽ lên đường tới Myanmar và đá trận đấu tiên tại AFF Cup với chủ nhà vào ngày 20 tháng 11. (Tuấn Thành) |
Tác giả bài viết: Phan Đăng
Nguồn tin: