Giáo dục

Đừng áp đặt “giấc mơ” cho học trò

Chương trình khô cứng, áp đặt, cào bằng, thành tích… đó là thực trạng dạy và học không chỉ với môn toán trong nhà trường hiện nay. Đó là nhận định được các chuyên gia toán học đưa ra trong khuôn khổ chương trình Ngày hội toán học vừa qua do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức tại Hà Nội...


8 QDAG jpg ashx
Sức ép lớn nhất là từ phụ huynh. (Ảnh minh họa)

Sách giáo khoa nặng hay nhẹ?

Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, nền giáo dục của chúng ta quá ảo tưởng và phi thực tế hàng mấy chục năm nay rồi. Phi thực tế vì sự cào bằng và đánh đồng về trí tuệ của các em. Làm gì có chuyện em nào cũng có thể giỏi, em nào cũng có thể nắm bắt cùng một vấn đề, cùng thu nhập cùng một kết quả cho một môn học và tệ nhất là giỏi tất cả các môn.

Nếu đúng như những gì mà nền giáo dục của chúng ta đưa ra và thực hiện bấy lâu nay thì học sinh chúng ta đều là những thiên tài xuất chúng bất kể vùng miền. Thế nhưng các nhà làm công tác giáo dục với căn bệnh thành tích, với những chiếc huy chương bóng lộn của một vài cá nhân được rèn như rèn gà nòi, sự giả dối nào cũng đem lại hậu quả tai hại và như một căn bệnh. Giáo dục những năm trước chạy theo môn Toán, bỏ quên ngoại ngữ, cố tình phớt lờ môn Văn, xem thường môn Đạo đức, khinh nhẹ môn Lịch sử, để rồi hậu quả bây giờ quá khủng khiếp khi thế hệ trẻ hiểu biết lịch sử một cách mơ hồ, ngoại ngữ thì ngu ngơ, văn chương tệ hại, và nhất là đạo đức xuống cấp đến mức tệ hại...

Và một trong những vấn đề luôn được đặt ra, đó là việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa (SGK). Tuy nhiên, theo TS. Trần Nam Dũng - giảng viên ĐH Quốc gia TP HCM cho biết, so với các quốc gia khác trên thế giới, chương trình SGK Toán học của Việt Nam không quá nặng, nên cố gắng giảm tải là sai: “Vấn đề ở chỗ, SGK toán của chúng ta hiện vẫn chưa hài hòa. Chúng ta cứ kêu “nặng” nhưng nếu thay đổi nên bắt nguồn từ đề thi, SGK chưa phải là vấn đề nặng nề nhất” – TS. Dũng nói.

Cùng quan điểm, TS. Chu Cẩm Thơ - Phó Chủ nhiệm bộ môn Phương pháp dạy học, Khoa Toán - Tin trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, để trả lời câu hỏi SGK nói chung hiện nay đang nặng hay nhẹ, phải tùy vào góc độ của mỗi người bởi khi đứng ở góc độ này họ thấy nhẹ nhưng góc độ khác thì không.

“Chẳng hạn cháu tôi đi học ở Anh, cháu xác định phải vào một trường top 4 ở đây. Lúc đó, tôi dạy cho cháu thì phát hiện ra, chương trình tương đương lớp 10, lớp 11 ở đó đã bằng chương trình đại học năm thứ 3 ở ĐH Sư phạm Hà Nội bởi các cháu đã phải học các vấn đề như vi phân, đạo hàm riêng... Như vậy, ta thấy chương trình phổ thông của chúng ta nhẹ.Tuy nhiên, nếu so sánh chương trình THPT của chúng ta với hệ thứ 3 của Đức chẳng hạn, ở đó người ta học để làm nghệ thuật và các hoạt động xã hội, chương trình cũng chỉ vừa đủ để lấy một bằng phổ thông và bỏ luôn những thứ chúng ta lâu nay rất coi trọng như: giải tích, tích phân...” - TS. Chu Cẩm Thơ cho biết.

Theo TS. Dũng, lâu nay chúng ta cứ cho rằng, SGK phổ thông nặng nề và cần phải cắt giảm. Tuy nhiên, việc thấy chỗ này dài, chỗ kia chưa hợp lý rồi cắt ghép một cách cơ học sẽ rất ảnh hưởng đến học sinh.

Thực tế, trong nhà trường, giáo dục thực hiện theo lối dàn hàng ngang và cào bằng tất cả các đối tượng học sinh, không có sự phân loại theo năng lực. Giáo viên đưa ra mệnh đề, học sinh áp dụng máy móc, không hiểu bản chất. Càng lên các bậc học cao hơn, toán học càng khô khan và xa rời thực tiễn. Nếu không “dàn hàng ngang” mà phân chia ra trình độ học sinh để có cách dạy riêng, các em cá biệt về toán có thể được cải thiện thành tích học tập.“Giáo dục quá chú trọng về tư duy logic mà quên mất rằng con người có đến 8 loại hình thông minh khác nhau, bên cạnh thông minh logic còn có thông minh ngôn ngữ, thông minh nghệ thuật… Và mỗi học sinh đều có những năng lực, thiên hướng khác nhau” – TS. Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, theo TS. Chu Cẩm Thơ, bất cập đầu tiên trong việc dạy và học toán hiện nay ở trường phổ thông là chúng ta không tin vào trẻ em có thể hoàn thiện bản thân mình một cách phù hợp nhất. Từ rất lâu, chúng ta theo một cách dạy, một nội dung cho tất cả các cấp học mà quên mất các em có thể tỏa sáng và tự tin trong trường học. Đấy là bất cập không chỉ trong môn toán mà còn ở trong tất cả các môn học khác. Bất cập thứ hai, chúng ta chưa nhìn thấy sự chủ động của giáo viên trong việc lựa chọn nội dung chương trình và các cách dạy học phù hợp với trẻ em. Đấy là hai sự bất cập cốt lõi.

Đừng chạy theo khoa cử

Theo TS. Chu Cẩm Thơ, để khắc phục những bất cập trong việc dạy và học toán nói riêng và việc dạy học trong nhà trường, chúng ta có thể sửa được ngay, đó là tôn trọng các chương trình dạy học đối với trẻ em cũng như tinh thần tự chủ của chúng. Ngoài ra, vai trò của giáo viên rất quan trọng khi thiết kế các bài giảng cũng như các hoạt động toán học cho trẻ em.

“Chúng tôi đã đến gần 100 trường và tiếp xúc với hàng nghìn trẻ em nhưng đáng tiếc, nhiều em không được hưởng những phương pháp giáo dục hay. Có nhiều giáo viên giỏi, rất giỏi, tìm đến cách dạy tốt nhất cho trẻ em nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ. Số còn lại chủ yếu là áp đặt, thực hiện những cách dạy lạc hậu. Những giờ học khép kín, thầy đọc trò chép, không cho các em trải nghiệm những bài học ứng dụng thực tiễn và áp đặt trẻ trong việc hiểu đúng theo một cách” - TS. Thơ chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, GS. Ngô Bảo Châu cho biết, có thể cách đánh giá của mình vẫn phiến diện. Tuy nhiên, ông thấy việc dạy học toán ở phổ thông hiện còn rất truyền thống. Cha mẹ muốn con học để thi cử nên người dạy hướng theo thành tích thi cử. Tất nhiên thi cử cũng có cái tốt nhưng điều này phải thay đổi bởi không chỉ đơn thuần thi cử mà các em cần phải có kĩ năng và ý thức tìm tòi, khám phá, rất cần cho cuộc sống sau này. Và để học sinh có niềm say mê toán học trong nhà trường, theo GS. Châu, đó là cả một nghệ thuật, không đơn thuần là phương pháp dạy như thế nào nữa.

Còn GS. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ: “Như tôi đã nói từ trước rồi, cách học này sẽ không bao giờ tạo ra người tài cho đất nước với quan điểm dạy học như này người dốt sẽ dốt thêm và người học được cứ nghĩ mình là nhất rồi, như thế sẽ khiến sự đào sâu suy nghĩ của học sinh lười đi.

Tôi đề nghị với Bộ GD-ĐT nên có sự phân hóa ngay từ khi học cấp 2. Định hướng hướng nghiệp từ cấp 3, với học sinh yếu kém sẽ có một môn là định hướng nghề nghiệp, còn các em có học lực tốt sẽ định hướng nghề nhưng ở cấp bậc cao hơn và Bộ GD -ĐT phải biết rõ trong giai đoạn hiện nay và tương lai chúng ta cần loại hình công việc nào để có hướng đào tạo bổ sung nguồn lực và nâng cấp chất lượng đào tạo. Vậy nên, viết SGK không đơn thuần chỉ cắt ghép cơ học, đó là cả một nghệ thuật. Học sinh lớp 1 ngày nay bấm máy tính và sử dụng Internet nhanh hơn người lớn. Vì vậy, người viết sách không nên bắt các cháu nhớ quá nhiều và không được lạc hậu”.

Đừng để trẻ con phải chịu áp lực nặng nề từ phụ huynh

PGS.TS Lê Anh Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục (Hà Nội) cho rằng, hiện các kỳ thi phần lớn dành cho học sinh giỏi. Để đạt thành tích, học sinh giỏi phải vượt qua nhiều cuộc thi ở nhiều cấp bậc khiến việc đi thi của các em rất nặng nề. Việc này do cách tổ chức thi trước đây từ cấp cơ sở đến trung ương còn nhiều bất cập. Bởi thế, theo ông Vinh, chúng ta cần có cái nhìn khác, mọi thứ sẽ đơn giản hơn. Thay vì chỉ có học sinh giỏi được tham dự, hãy để mọi học sinh có nguyện vọng được đi thi.

Dù không làm bài tốt như học sinh giỏi, các em vẫn vui vì được tham dự kỳ thi như mọi người. “Sức ép lớn nhất từ phụ huynh, lúc nào cũng muốn con mình đạt thành tích. Nếu con đã cảm thấy áp lực vì phải học trường chuyên, lớp chọn hay những kỳ thi học sinh giỏi, cha mẹ đừng tạo áp lực cho con thêm nữa. Nên đặt nhẹ thành tích xuống, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Trẻ con chính là người gánh chịu nhiều nhất” - PGS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Uyên Na

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP