Cơ quan chức năng thi hành lệnh khám xét phòng làm việc của bà Lê Thị Dung. Ảnh: Công an tỉnh Nghệ An. |
Ngày 24/4, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kết thúc phiên xử sơ thẩm, tuyên án 5 năm tù giam đối với bà Lê Thị Dung (SN 1971, trú tại thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bà Lê Thị Dung nguyên là Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX) huyện Hưng Nguyên, nhiệm kỳ 2012-2017.
Chi 4 lần hết hơn 48 triệu đồng
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), TT GDTX huyện Hưng Nguyên là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/4/2006.
Ngày 1/10/2012, bà Lê Thị Dung được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An bổ nhiệm làm Giám đốc TT GDTX huyện Hưng Nguyên. Sau khi được bổ nhiệm, hàng năm, bà Dung đã chỉ đạo kế toán, các tổ chuyên môn, công đoàn của trung tâm tham mưu, xây dựng quy chế hoạt động chuyên môn, quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2012-2017.
Hàng năm, TT GDTX huyện Hưng Nguyên tiến hành lập dự toán Ngân sách trong năm để chi trả các khoản lương, phụ cấp, các khoản chi tiêu khác cho cán bộ, giáo viên và người lao động thuộc trung tâm. Hàng tháng, kế toán của trung tâm lập bảng kê chi các khoản của cá nhân theo quy định của quy chế được bà Dung xác nhận, chuyển qua Kho bạc Nhà nước huyện để quyết toán.
Theo bảng thống kê hoạt động chuyên môn của cá nhân, trong các năm học 2011-2012 đến năm học 2015-2016, bà Dung đã thanh toán lần 1 với các nội dung: Bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra theo đúng quy định với số tiền là 36.695.000 đồng.
Tuy đã được thanh toán lần 1 những nội dung trên nhưng bà Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong các năm học 2011-2012 với số tiền 3.317.979 đồng; năm học 2013-2014 với số tiền 303.052 đồng; năm học 2014-2015 với số tiền 30.952.368 đồng; năm học 2015-2016 với số tiền 13.810.509 đồng. Như vậy, tổng số 4 lần thanh toán lần 2 của bà Dung là 48.383.908 đồng.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Ảnh: DH. |
“Như vậy, đối với số tiền 48.383.908 đồng mà bà Lê Thị Dung đã thanh toán trùng cho cùng một nội dung: Bí thư chi bộ; học cao học và tập huấn kiểm tra đã vi phạm vào khoản 2, Điều 15, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013; Điều 35 Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 ngày 29/11/2005.
Ngoài ra, bà Lê Thị Dung là người đứng đầu đơn vị, tự kê khai và duyệt chi thanh toán cho bản thân (thanh toán 2 lần), buông lỏng việc kiểm tra, kiểm soát, vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật phòng. Chống tham nhũng số 55/2005/QH11 là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình được giao, làm trái công vụ gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước cấp cho TT GDTX huyện Hưng Nguyên số tiền 48.383.908 đồng”, cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Hưng Nguyên nêu.
Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Hương là kế toán của TT GDTX huyện Hưng Nguyên từ năm 2012-2017. Mặc dù biết bà Dung thanh toán sai quy định nhưng bà Hương vẫn làm các thủ tục chứng từ cho bà Lê Thị Dung được hưởng số tiền nói trên.
Đến năm 2018, thấy không thể để cho bà Dung tiếp tục thanh toán các khoản tiền trái quy định nên bà Hương không làm thủ tục thanh toán tiền thừa giờ nữa và có nhiều văn bản kiến nghị lên cấp trên, đồng thời tố giác hành vi sai phạm của bà Lê Thị Dung.
Ngày 4/10/2021, bà Hương đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên tự thú hành vi phạm tội của mình với bà Dung. VKS xác định, trong vụ án này, bà Lê Thị Dung là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính trong vụ án, Nguyễn Thị Hương là đồng phạm với vai trò giúp sức.
5 năm tù giam là mức án nặng so với sai phạm?
Theo cáo trạng, hành vi của bà Lê Thị Dung và bà Nguyễn Thị Hương đã 2 lần gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước cấp cho TT GDTX huyện Hưng Nguyên trên 10 triệu đồng. Đối với 2 lần thực hiện hành vi gây thiệt hại dưới 10 triệu đồng, tuy không xác định đây là số lần phạm tội nhưng cần tính vào thiệt hại chung để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi nêu trên đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; |
Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 24/4 vừa qua, TAND huyện Hưng Nguyên tuyên án 5 năm tù giam đối với bà Lê Thị Dung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, tổng số tiền gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước theo cáo trạng là hơn 48 triệu đồng, sau đó tại phiên tòa, VKS đã rút xuống còn gần 45 triệu đồng.
Do bà Dung thực hiện thanh toán nhiều lần trong nhiều năm, nên rơi vào trường hợp “phạm tội 2 lần trở lên” và bị truy tố ở khung hình phạt 5 - 10 năm tù.
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bà Dung không nhận tội vì cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi.
Bà Lê Thị Dung được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Trong quá trình công tác có 6 năm có thành tích xuất sắc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Ngoài ra, với việc làm tốt trong vai trò Hội thẩm nhân dân, năm 2017, bà Dung còn được TAND tỉnh Nghệ An tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác xét xử; được Ban chấp hành Công đoàn Sở GD&ĐT tặng giấy khen trong hoạt động công đoàn; giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; gia đình có công với cách mạng; ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19 số tiền 7.650.000 triệu đồng.
Hành vi của bà Lê Thị Dung xảy ra trong giai đoạn từ năm 2012-2017, là thời điểm Điều 281, Bộ Luật hình sự năm 1999 đang còn hiệu lực. Tuy nhiên, cấu thành tội phạm cơ bản của Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 nhẹ hơn Điều 281, Bộ Luật hình sự năm 1999. Vì vậy, để có lợi cho các bị can, cơ quan tố tụng áp dụng Điều 356 Bộ Luật hình sự năm 2015 để xử lý.
Mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nói trên, nhưng do bà Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án 5 năm tù giam. Đây cũng là mức xử phạt ở đầu khung 5-10 năm tù.
Sau khi bản án được tuyên 5 năm tù giam đối với bà Lê Thị Dung với sai phạm, gây tổng thiệt hại hơn 45 triệu đồng đã gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng, mức án trên là nặng so với sai phạm, hậu quả mà bà Dung gây ra.
Vô số ý kiến cho rằng nên nhìn nhận sự việc khách quan, đầy đủ. Mức án đưa ra cần hợp lý, hợp tình và ghi nhận những cống hiến của Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên trong quá trình giảng dạy, công tác.
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ GD&ĐT cho hay, lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm đến vụ án Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Bộ cũng đề nghị các cơ quan thực thi tố tụng xem xét sự việc khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tác giả: Phạm Tâm - Hồ Lài
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn