Cô Trần Bích Liên, trường THPT Nguyễn Du (Hoà Bình) vui mừng khi Bộ GD&ĐT nghiên cứu đưa Lịch sử thành môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi. Đây là việc cần làm với một môn học có vị thế đặc biệt.
Tuy nhiên, cô lo lắng nội dung môn Lịch sử hiện tại vẫn hơi nặng với học sinh đại trà bậc THPT.
Để nội dung phù hợp hơn, học sinh có thể học tốt, đáp ứng làm bài kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Liên đề xuất, Bộ GD&ĐT, các chuyên gia nên tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nội dung môn Lịch sử, lược bỏ những kiến thức nâng cao trong từng bài học, tiết học hay các kiến thức trùng lặp, đã được lồng ghép ở trong phần đại trà bắt buộc; không bỏ kiến thức theo kiểu cơ học - cắt bỏ cả bài, cả chương nội dung.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: N.N) |
Thầy Trương Văn Bắc, giáo viên ở Thanh Hóa cũng bày tỏ, Lịch sử trở thành môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT là hướng đi đúng, "chắc chắn sẽ được nhiều giáo viên ủng hộ". Muốn học sinh không còn sợ môn học này thì việc tinh giản chương trình, giảm nhẹ kiến thức là cần thiết. Theo chương trình phổ thông mới mỗi năm, học sinh THPT có 52 tiết học bắt buộc, tức là trung bình khoảng 1,5 tiết Lịch sử/tuần. Với học sinh có nguyện vọng học nâng cao, sẽ được học thêm 35 tiết chuyên đề.
Về sắp xếp nội dung, kiến thức lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên nặng nội dung mà chỉ cần cho các em hiểu những kiến thức căn bản về lịch sử hào hùng của dân tộc. Những kiến thức căn bản trong chương trình đủ để thí sinh dự thi tốt nghiệp đạt từ 5 điểm trở lên.
Với thí sinh lựa chọn Sử trở thành môn xét tuyển vào đại học thì nên đầu tư học tự chọn thêm 35 tiết chuyên đề. Với lượng kiến thức nâng cao đủ để các em đạt 8 -10 điểm môn thi này.
Là "lứa" học sinh đầu tiên theo học chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT, Nguyễn Hoàng Bách, lớp 10 trường THPT Việt Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tự tin và thích thú trước thông tin Lịch sử có thể trở thành môn bắt buộc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
"Ở cấp 2, em khá sợ học Lịch sử bởi kiến thức nặng, nhiều dấu mốc cần ghi nhớ theo sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi lên lớp 10, cảm nhận của em về môn học hoàn toàn thay đổi. Kiến thức nhẹ hơn, việc dạy và học cũng được đa dạng hoá thông qua các ảnh minh hoạ, thuyết trình về sự kiện lịch sử... môn học không còn khô khan, khó nhớ như trước đây", nam sinh nói và cho biết, với tình hình học như hiện tại sẽ dễ dàng vượt qua môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở năm 2025.
Ngày 18/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. Bộ GD&ĐT cũng đang cân nhắc có thể có thêm một số môn thi lựa chọn để HS chọn theo môn học mà các em chọn học ở cấp THPT. Điều này đảm bảo để các cơ sở giáo dục đại học có cơ sở xét tuyển cho phù hợp.
"Tuy nhiên, đó là tinh thần Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu và dự kiến, chưa phải phương án chính thức. Bộ GD&ĐT đang cùng các chuyên gia xây dựng, xin ý kiến góp ý và khi ra được phương án thì sẽ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Từ năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho bậc THPT. Các học sinh lớp 10 sẽ bước sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh được chọn để học 4 trong 9 môn, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc.
Năm 2025, "lứa" học sinh đầu tiên học theo chương trình này sẽ tốt nghiệp THPT.