Hiện tại Cảng Hàng không quốc tế Vinh đang khai thác 9 đường bay, 6 hãng Hàng không, với tần suất bình quân 26 - 28 chuyến bay/ngày (tương ứng với 52 - 56 lượt cất, hạ cánh/ngày). Lượng hành khách thông qua cảng năm 2022 đạt 2,6 triệu hành khách, đã quá tải so với công suất hiện nay.
Do đó, việc nâng cấp, cải tạo đang là yêu cầu đặt ra, đặc biệt là xây dựng đường cất, hạ cánh thứ hai có chiều dài 3.000m, đảm bảo có thể tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn code E như A350, B777, B787, cũng như xây dựng khu Hàng không dân dụng mới.
Theo Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng Hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, công suất Cảng Hàng không quốc tế Vinh dự kiến đến năm 2030 khoảng 8 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 14 triệu hành khách/năm.
Dự kiến đến năm 2030, công suất của Cảng Hàng không quốc tế Vinh là 8 triệu lượt khách/năm. |
Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ về lập điều chỉnh quy hoạch, đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn phương án xây dựng khu hàng không dân dụng giữa 2 đường cất, hạ cánh của Cảng Hàng không quốc tế Vinh.
Theo đó, diện tích đất dự kiến cần giải phóng mặt bằng để xây dựng khu Hàng không dân dụng giữa 2 đường cất, hạ cánh khoảng 115 ha (bao gồm xã Nghi Ân 68,1 ha; xã Nghi Trường 43,6 ha; xã Nghi Trung 3 ha). Chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 5.084 tỷ đồng. Số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 850 hộ; không ảnh hưởng đến diện tích đất của quân đội.
Phương án này cũng sẽ giảm chi phí giải phóng mặt bằng, thấp hơn so với phương án còn lại khoảng 2.000 tỷ đồng; không ảnh hưởng đến đất, tài sản, công trình quốc phòng đang quản lý sử dụng; về lâu dài có dư địa để tiếp tục phát triển; phát huy hiệu quả khai thác khi đường cất, hạ cánh số 2 hoàn thành.
Đồng thời, nguyện vọng của các hộ dân trong khu vực giữa 2 đường cất, hạ cánh mong muốn sớm di dời tái định cư, sẽ được đồng thuận cao khi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, với phương án này, tỉnh cần bố trí nguồn vốn để đầu tư tuyến đường giao thông kết nối vào khu cảng Hàng không mới, từ Quốc lộ 1 và Quốc lộ 46 vào khoảng 850 tỷ đồng.
Diện tích đất dự kiến cần giải phóng mặt bằng để xây dựng khu Hàng không dân dụng giữa 2 đường cất, hạ cánh khoảng 115 ha. |
Tại cuộc làm việc chiều 8/2, trên cơ sở trình bày, phân tích của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thảo luận và thống nhất lựa chọn mô hình đầu tư, quản lý và khai thác trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam quản lý cảng Hàng không hiện hữu.
Đồng thời, kêu gọi nguồn lực đầu tư khu Hàng không dân dụng mới gồm: Nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, hangar (khu bảo trì tàu bay) và công trình khu bay bao gồm đường cất, hạ cánh số 2, đường lăn, sân đỗ... theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hình thành thêm nhà đầu tư quản lý, khai thác khu Hàng không dân dụng mới.
Tác giả: Minh Tâm
Nguồn tin: nguoiduatin.vn