Ảnh: Internet |
UBND tỉnh Nghệ An ngày 23/6/2021 có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 2 dự án chăn nuôi của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam ở huyện Tân Kỳ.
Bao gồm dự án Trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm theo mô hình trại lạnh khép kín tại khu vực Thung Máng, xã Tân Hợp có diện tích đất 32,56ha, công suất thiết kế 60.000 lợn thịt thương phẩm/lứa, vốn đầu tư 440 tỷ đồng; và dự án Trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt thương phẩm theo quy mô trại lạnh khép kín tại khu vực Bàu Vạn, xóm Nước Xanh, xã Giai Xuân có diện tích đất dự kiến sử dụng là 52,07 ha, với công suất thiết kế 5.000 lợn nái sinh sản (2,5 phôi/năm) và 60.000 lợn thịt thương phẩm/lứa, vốn đầu tư 800 tỷ đồng.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn từ năm 2017. Thương hiệu BAF (Feed – Farm – Food) cũng là chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến. Theo kế hoạch đến năm 2024, tổng đàn nái của công ty sẽ nâng lên ở mức khoảng 45.300 con, đáp ứng nhu cầu con giống để nuôi lợn thịt với quy mô trên 1,1 triệu con.
Tổng giám đốc BAF hiện là bà Bùi Hương Giang (SN 1980). Đáng chú ý, bà Giang còn là chủ sở hữu của CTCP HUM.
BAF và HUM là 2 doanh nghiệp nông nghiệp nổi lên rất nhanh thời gian qua.
Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện doanh thu của BAF năm 2019 là 17.128 tỷ đồng, gấp 6 lần năm đầu tiên hoạt động (năm 2017), còn doanh thu của HUM đạt đỉnh năm 2018 với 25.257 tỷ đồng, trước khi giảm về 20.968 tỷ đồng năm 2019, dù vậy, vẫn là mức rất cao so với năm 2016 (8.655 tỷ đồng).
Tổng cộng, doanh thu của BAF và HUM trong năm 2019 lên tới 38.096 tỷ đồng, con số rất đáng nể.
Ở một chi tiết thú vị, trụ sở của HUM đặt tại số 62 đường Song Hành, xa lộ Hà Nội, phường An Phú, Quận 2, TP.HCM. Đây cũng chính là địa chỉ chi nhánh CTCP Tập đoàn Tân Long tại TP.HCM.
Tân Long Group của doanh nhân Trương Sỹ Bá cũng là "tay chơi" có tiếng trong mảng nông nghiệp. Mối liên hệ giữa nhóm BAF, HUM với Tân Long có chăng không chỉ dừng lại ở cùng trụ sở. Mà BAF và HUM, nên biết, đã ký hàng trăm hợp đồng mua bán hàng hoá với Tân Long cùng công ty con là CTCP Thăng Hoa, với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Gần như tất cả các hợp đồng thương mại này đều được thế chấp tại các chi nhánh của Ngân hàng SHB.
Tân Long cùng HUM cũng từng đồng hành với nhau tham gia thương vụ M&A Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không của nhóm T&T Group vào năm 2015.
Ở một diễn biến khác, Tập đoàn Tân Long vào đầu tháng 6/2021 đã chính thức tiếp quản CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An từ Tập đoàn TH. Ông Trương Sỹ Bá đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Thể thao Sông Lam Nghệ An, con trai ông - ông Trương Mạnh Linh làm Tổng giám đốc, thay cho doanh nghiệp vận hành CLB trước đây là CTCP Sông Lam Nghệ An.
CTCP Thể thao Sông Lam Nghệ An có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó Tân Long nắm 99%, 0,5% khác thuộc về ông Lê Xuân Thọ - cổ đông sáng lập của BAF Việt Nam.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: nhadautu.vn